Khen thưởng hội viên, nông dân xã Ô Lâm thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi
Tích cực làm giàu
Ô Lâm là xã miền núi, có hơn 97% đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn... Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đoàn thể, nông dân trong xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Gia đình ông Chau Chuốc (ấp Phước Thọ) có 3 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào 2,2ha đất trồng lúa. Trước đây, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Nhờ tham gia các lớp tập huấn nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật do địa phương tổ chức nên việc canh tác của gia đình ông ngày càng được cải thiện.
Ông Chuốc chia sẻ: “Từ những kiến thức học được, tôi áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nên năng suất cao hơn rất nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tri Tôn mà việc canh tác của tôi thuận lợi hơn. Mỗi năm, gia đình tôi thu về lợi nhuận trên 400 triệu đồng”.
Hiện nay, ông Chau Chuốc đã có được cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình đầy đủ tiện nghi, con cái ăn học đến nơi đến chốn. Ngoài chăm lo cuộc sống gia đình, ông Chau Chuốc còn giúp đỡ, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ lân cận.
Không như ông Chau Chuốc, gia đình ông Bùi Xuân Điện (ngụ ấp Phước Lộc) có kinh tế ổn định từ việc canh tác xoài và quýt đường. Ông Điện cho biết, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vườn cây ăn trái của gia đình ông phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng vượt trội. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Điện thu nhập khoảng 250 triệu đồng.
Ngoài ra, còn nhiều nông dân vươn lên làm giàu với mức doanh thu đạt từ 186 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, hội viên, nông dân còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương…
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ô Lâm Tiêu Đình Hiếu Nhân Hậu cho biết, trong giai đoạn 2021, toàn xã có 597 nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, trong đó có 193 nông dân giỏi cấp xã, 50 nông dân giỏi cấp huyện và 14 nông dân giỏi cấp tỉnh.
Nâng chất phong trào nông dân giỏi
Theo ông Tiêu Đình Hiếu Nhân Hậu, thực hiện mục tiêu “Nông nghiệp hiện đại - Nông dân hợp tác - Nông thôn đổi mới”, trong 2 năm qua, phong trào nông dân SXKD giỏi ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng; tiếp tục khẳng định tính hiệu quả, hấp dẫn đối với hội viên, nông dân.
Đây là diễn đàn lớn để hội viên, nông dân học tập, trao đổi kinh nghiệm; đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, xây dựng và phát triển nông thôn mới. Phong trào còn góp phần thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Với 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hội thảo giống cây trồng, vật nuôi... đã giúp cho 1.250 lượt hội viên, nông dân trang bị được kiến thức, kỹ thuật canh tác hiện đại, trình độ canh tác không ngừng được nâng cao.
Ngoài ra, phong trào còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất, như: Lúa chất lượng cao, đậu phộng, khoai lang, mè đen... góp phần làm chuyển biến tích cực việc chuyển dịch cây trồng tại địa phương.
Đặc biệt, phong trào còn đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới; đoàn kết, “Tương thân, tương ái” giúp nhau giảm nghèo. Trong 2 năm qua, hội viên, nông dân đã đóng góp trên 1,2 tỷ đồng và khoảng 540 ngày công lao động để làm cầu, đường, rải đá bụi lộ giao thông liên ấp; giúp đỡ nhau trong sản xuất, vui xuân, đón Tết...
Giai đoạn 2021-2023, xã Ô Lâm phấn đấu có 540 nông dân giỏi các cấp, trong đó có 369 nông dân giỏi cấp xã (68,3%), 126 nông dân giỏi cấp huyện (23,3%), 45 nông dân giỏi cấp tỉnh (8,3%). Để thực hiện mục tiêu trên, Hội Nông dân xã sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước; nhân rộng các mô hình hiệu quả. Hội Nông dân xã còn hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, Hội Nông dân xã đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển các loại hình và đối tượng SXKD mới, phù hợp với nhu cầu thị trường; hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả SXKD...
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề để nâng cao trình độ thâm canh sản xuất, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường; giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới nội dung và phương thức họat động của hội; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân...
Xã Ô Lâm có tổng diện tích tự nhiên 3.073ha, trong đó diện tích nông nghiệp 2.276ha. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với 85% dân số, số còn lại làm các ngành nghề khác. |
ĐỨC TOÀN