Nông nghiệp Châu Thành nỗ lực duy trì tăng trưởng

12/10/2022 - 07:13

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, biến động thị trường… nhưng ngành nông nghiệp huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) đã nỗ lực vượt khó, chủ động triển khai nhiều giải pháp, linh hoạt tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo điều kiện thực tế, gắn với nhu cầu thị trường, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế -
xã hội địa phương.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, mặc dù phải đối mặt với thời tiết bất lợi, sâu bệnh hại cây trồng, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nên tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

9 tháng của năm 2022, giá trị sản xuất (GO) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn huyện đạt trên 3.323 tỷ đồng (giá so sánh 2010). Tổng diện tích gieo trồng đạt hơn 79.910ha, đạt 103,55% kế hoạch năm 2022. Trong đó, diện tích sản xuất lúa áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” đạt hơn 53.839ha, chiếm 96,75% diện tích xuống giống; 39.109ha áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm”, chiếm 70,28% diện tích xuống giống.

Thực hiện chương trình xã hội hóa công tác giống lúa, các tổ sản xuất giống và nông dân đã tổ chức sản xuất giống được hơn 4.876ha (đạt 8,76% diện tích xuống giống), với 22 tổ sản xuất giống; 30 công ty ký kết hợp đồng sản xuất giống với nông dân và các tổ sản xuất giống lúa, như: Trung tâm giống Bình Đức, Công ty Cổ phần giống cây trồng miền Nam, Công ty Nông Hưng Phát, Công ty Tiến Nông, Công ty Nông Đạt Lợi, Công ty Tuyết Hồng, Công ty Ngọc Giang, Công ty Việt Thái, Công ty Phương Minh…

Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Hiện, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện là 423.236 con. Công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát chặt chẽ.

Nhìn chung, các xã, thị trấn đều thực hiện tốt theo hướng dẫn về tiêm phòng bổ sung thường xuyên, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, vùng nuôi thủy sản định kỳ. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, tổng diện tích thả nuôi đạt 272,12ha với 434 hộ, 336 ao, 434 bể, đạt 92,27% so với kế hoạch năm 2022, tăng 95,27ha so cùng kỳ 2021.

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và thích ứng biến đổi khí hậu. Đến nay, diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và rau màu trên 854ha (rau màu hơn 829ha, cây ăn trái trên 24,5ha).

Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, được địa phương duy trì và nhân rộng. Qua đó, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, ngành NN&PTNT thường xuyên theo dõi, kịp thời tham mưu UBND huyện chỉ đạo sản xuất thắng lợi vụ thu đông 2022, đảm bảo “ăn chắc”, an toàn trong mùa mưa bão. Đồng thời, thực hiện tốt chương trình phòng, chống dịch bệnh trên lúa cùng với công tác quản lý dịch hại trên cây màu; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, với phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức trực 24/24 giờ trong thời gian lũ về và có lụt bão, giông lốc xảy trên địa bàn, nhất là trong những tháng cuối năm…

Huyện Châu Thành tập trung  khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao những công nghệ giống cây trồng, vật nuôi; công nghệ bảo quản, chế biến nông sản; khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phối hợp với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đảm bảo đầu ra sản phẩm nông sản ổn định cho nông dân.

Huyện Châu Thành kêu gọi và luôn tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp, nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ giống cây trồng, vật nuôi; công nghệ bảo quản, chế biến nông sản…

TRUNG HIẾU