Nông nghiệp đổi mới ở Mỹ Hòa Hưng

17/12/2024 - 06:40

Những năm qua, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) tổ chức thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô phù hợp từng loại hình sản xuất và điều kiện của địa phương. Phát huy thế mạnh nông nghiệp, một số sản phẩm chủ lực được hợp tác xã (HTX) liên kết tiêu thụ, tăng dân thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Phát triển nông nghiệp trên xã cù lao Mỹ Hòa Hưng được thúc đẩy mạnh mẽ từ Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao và hiện nay là NTM kiểu mẫu. Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Hà Quốc Sử, về tổ chức sản xuất, xã có HTX hoạt động theo đúng quy định. HTX liên kết sản xuất với các công ty lớn để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Lĩnh vực kinh tế có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình.

Hệ thống thủy lợi đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh; diện tích sản xuất đất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động đạt 100%; diện tích thu hoạch lúa bằng cơ giới đạt 100%, cơ giới hóa trong lĩnh vực trồng trọt đạt 94,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm. Trên cù lao, sản phẩm chủ lực là rau màu và cây ăn trái, dẫn đầu là cải thìa, xoài cát Hòa Lộc, ớt và thủy sản là cá tra, cá lóc, cá điêu hồng… Năm 2024, sản lượng thu hoạch cải thìa đạt 600 tấn/ha/năm; xoài cát Hòa Lộc doanh thu trên 450 triệu đồng/ha/năm; ớt sản lượng 150 tấn/ha/năm. Doanh thu sản phẩm chủ lực đạt 10,5 tỷ đồng/năm.

HTX Nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng có 51 thành viên, hàng năm, duy trì, nâng chất, thực hiện 2 loại hình dịch vụ sản xuất - kinh doanh là cung ứng vật tư nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của thành viên và nông dân. Từ năm 2022 đến nay, HTX ký hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ với thành viên và nông dân các sản phẩm xoài, ớt, cải thìa, rau xà lách. Ông Phan Văn Về (ngụ ấp Mỹ Khánh 1) trồng 3.000m2 cải, ngò rí, hành lá, xà lách… Gần đây, ông được HTX bao tiêu đầu ra theo vụ, năm trước là cải ngọt, cải xanh; năm nay là cải thìa. Nhờ vậy, ông yên tâm vì giá cao hơn so với trồng tự bán.

Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của ngành chuyên môn tỉnh, TP. Long Xuyên với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trên địa bàn xã hỗ trợ triển khai nhiều mô hình sản xuất gắn với ứng dụng công nghệ cao, phát huy tính hiệu quả và nhân rộng 13 mô hình có hiệu quả. Nổi bật, phải kể đến vườn dưa lưới của anh Diện (ấp Mỹ An 2), diện tích 650m2, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Mỗi năm trồng 4 vụ, sau khi trừ chi phí, anh Diện lời 150 triệu đồng. Đạt hiệu quả kinh tế, anh tiếp tục mở rộng nhà lưới, áp dụng kỹ thuật trồng thủy canh, cho chất lượng trái tốt hơn, không tốn nhân công, kiểm soát chất lượng trái, ít bị thời tiết tác động và rút ngắn ngày sản xuất.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng Phạm Thị Thúy Huỳnh cho biết, từ sự đổi mới của người nông dân trong cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn thử sức với các mô hình mới, cây trồng hiệu quả, trên địa bàn xã có thêm nhiều sản phẩm dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp giúp tăng thêm thu nhập cho người dân. Hiện nay, ngoài các vườn sinh thái phục vụ tham quan, kết nối với một số nhà bè, homestay, ngay cả các vườn rau sản xuất sạch cũng trở thành điểm đến để trải nghiệm cho khách du lịch. Xã Mỹ Hòa Hưng đã có sản phẩm sa-tế ớt Thái Hòa và kho cá điêu hồng Diễm Mi đạt chuẩn OCOP “3 sao”. Địa phương đang nâng chất các HTX và hoàn thành việc đăng ký thêm sản phẩm tiềm năng là mật sơ ri và rượu nho để đạt chuẩn OCOP “3 sao”.

 

Nối tiếp thành quả từ chủ trương xây dựng NTM, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho Nhân dân, dựa vào thế mạnh nông nghiệp, xã Mỹ Hòa Hưng định hướng tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào các tiểu vùng quy hoạch chuyên canh, tạo ra sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch theo nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tìm đối tác liên kết, đầu tư hỗ trợ nông dân về giống, vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định.

MỸ HẠNH