Trên địa bàn huyện, vụ lúa, nếp đang giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, tình hình ổn định, kiểm soát sâu bệnh chặt chẽ, đảm bảo nước tưới tiêu… Ông Trần Hoàng Nghe (ấp Phú Lộc, xã Phú Thạnh) chia sẻ: “Vụ trước, tôi tham gia 50ha, hưởng ứng Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Kết thúc mùa vụ, bà con đều phấn khởi vì thắng đậm, trúng mùa, được giá, giảm chi phí, năng suất lúa không thua kém quy trình sản xuất truyền thống. Tôi còn 1ha đất ngoài mô hình, vụ này đã đăng ký thực hiện. Lúa phát triển rất tốt, chưa thấy có hiện tượng bị sâu bệnh. Trung bình, tôi giảm chi phí được khoảng 400.000 đồng/ha. Sau Tết, tôi đi thăm đồng, rải phân, thấy lúa trổ bông đã khá. Vụ đông xuân là “vụ thuận” của nhà nông, kỳ vọng mùa này sẽ thắng lợi nữa”.
Lãnh đạo huyện thăm đồng nắm tình hình sản xuất đầu năm
Trước, trong và sau Tết, cán bộ ngành nông nghiệp huyện thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tại các mô hình đang thí điểm sản xuất theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Trực tiếp thăm đồng, gặp gỡ nông dân trong những ngày đầu năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo ghi nhận khó khăn của nông dân, để cùng địa phương bàn bạc, có hướng giải quyết kịp thời. Đến nay, việc thay đổi tập quán sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao được đa số nông dân đồng tình ủng hộ. Tại các ruộng chưa tham gia đề án, lãnh đạo huyện yêu cầu tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích, vai trò quan trọng của đề án, tiếp tục mở rộng diện tích tham gia trong vụ mùa tới.
Theo đánh giá của UBND huyện, nông nghiệp trên địa bàn tiếp tục có bước tiến mới trong năm 2024. Tổng sản lượng lúa, nếp đạt trên 401.000 tấn, cao hơn 13.240 tấn so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nếp chiếm hơn 261.000 tấn, lợi nhuận từ cây lúa nếp tăng lên từ 5 - 6 triệu đồng/ha, khi nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Cùng với trồng trọt, tổng sản lượng thuỷ sản trong năm qua tăng 1.400 tấn so cùng kỳ, xây dựng 25 mã số vùng trồng.
Đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao. Ngành nông nghiệp phối hợp các ngành liên quan hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động theo đúng cơ chế, chính sách Nhà nước quy định. Toàn huyện có 21 hợp tác xã nông nghiệp với 2.663 thành viên; 136 tổ hợp tác với 1.387 thành viên. Dịch vụ ngày càng được nâng dần chất lượng, mở rộng diện tích sản xuất của bà con nông dân, đảm bảo tưới tiêu, chống úng kịp thời.
Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết, năm 2025, huyện tiếp tục tranh thủ việc triển khai Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang” và các kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển dịch nội ngành nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn liên kết sản xuất tiêu thụ để tạo giá trị mới.
Thu hoạch đậu nành rau ở các tổ hợp tác
Phát huy thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung triển khai hiệu quả nghị quyết, chương trình, đề án trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ thông minh vào khâu sản xuất nhằm tăng chất lượng, sức cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Huyện đang tiếp tục mời gọi doanh nghiệp mở rộng diện tích vùng nuôi cá tra; nhân rộng mô hình trồng rau màu theo hướng công nghệ cao, trồng nấm trong nhà; duy trì, phát triển mô hình sản xuất phục vụ nông thôn mới; triển khai mô hình sinh kế nông nghiệp, đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, hỗ trợ hợp tác xã, hộ gia đình xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng, chủ lực của huyện thông qua chương trình OCOP.
MỸ HẠNH