Nông nghiệp Thoại Sơn trên đường hội nhập

09/04/2025 - 07:20

 - Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Thoại Sơn không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, tập trung xây dựng và củng cố các mô hình liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ, nâng cao giá trị nông sản và đời sống nông dân.

Nông dân Thoại Sơn ngày càng tự tin làm giàu

Một trong những điểm sáng trong hoạt động của hội là việc chú trọng xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Hội đã tích cực vận động, hỗ trợ nông dân tham gia vào các chi, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và câu lạc bộ, tạo nên mạng lưới liên kết chặt chẽ, phù hợp với điều kiện sản xuất và đặc thù của từng vùng. Tính đến tháng 3/2025, toàn huyện Thoại Sơn có 28 HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Các HTX này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất - kinh doanh, mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng huyện nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.  

Trong đó có 9 HTX đã thiết lập mối liên kết chặt chẽ với Tập đoàn Lộc Trời theo chuỗi giá trị, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương. Thông qua mối liên kết này, các HTX đã khẳng định được vai trò cầu nối quan trọng giữa người nông dân và doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho cả 2 bên. Liên hiệp HTX huyện Thoại Sơn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp và hỗ trợ các HTX thành viên. Liên hiệp có 8 HTXNN là thành viên, bao gồm: HTXNN Thắng Lợi, Hòa Tân, Bình Thành, Sơn Hòa, Vọng Thê, An Bình, Tân Đông và Tây Phú, với tổng vốn điều lệ 500 triệu đồng. Sự ra đời và phát triển của Liên hiệp HTX đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp các HTX thành viên nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ hiệu quả hơn.

Hội Nông dân huyện Thoại Sơn đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển các câu lạc bộ nông dân. Đến nay, huyện có 12 câu lạc bộ nông dân với pháp luật (310 thành viên), 3 câu lạc bộ nông dân với an toàn giao thông (93 thành viên) và 12 câu lạc bộ nông dân giỏi (290 thành viên). Qua đó, giúp nông dân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức an toàn giao thông và chia sẻ những bí quyết sản xuất hiệu quả. Thông qua các câu lạc bộ, nông dân được hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật, ứng dụng các chương trình khuyến nông, bảo vệ thực vật và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Một bước tiến quan trọng trong nông nghiệp Thoại Sơn là việc chú trọng đến quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, huyện đã được cấp 49 mã số vùng trồng với tổng diện tích 2.596,3ha. Trong đó có 46 mã số vùng trồng lúa (2.554,6ha), 2 mã số vùng trồng cây ăn trái (41,5ha) và 1 mã số vùng trồng rau màu (0,2ha). Đáng chú ý, có 13 mã vùng trồng lúa, với diện tích 902ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Nhật Bản, cùng với 36 vùng trồng phục vụ thị trường nội địa và sẵn sàng cho xuất khẩu.

Việc tham gia vào chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho nông dân. Thông qua liên kết với các doanh nghiệp, đặc biệt là Tập đoàn Lộc Trời, nông dân được tập huấn về quy trình sản xuất tiên tiến như “1 phải, 5 giảm”, SRP và các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu. Sản phẩm làm ra được công ty bao tiêu với giá cao hơn thị trường 600 đồng/kg, giúp lợi nhuận của người nông dân tăng lên khoảng 20% so phương thức sản xuất truyền thống. Với 13 mã số vùng trồng lúa xuất khẩu có diện tích 902ha, sản lượng cung cấp cho xuất khẩu đạt khoảng 5.400 tấn/năm, cho thấy tiềm năng và hiệu quả của mô hình liên kết này.

Hội Nông dân huyện Thoại Sơn còn đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình, như mô hình: “Trồng thử nghiệm cam sành theo hướng VietGAP điều khiển từ smartphone” tại xã Bình Thành, kết hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của ông Dương Phước Lộc; mô hình trồng cam, quýt, bưởi ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm điều khiển bằng điện thoại tại xã Vĩnh Trạch; trồng rau, dưa trong nhà lưới ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại xã Thoại Giang và Vĩnh Phú; ứng dụng điện năng lượng mặt trời vào hệ thống tưới tự động cho vườn mãng cầu xiêm và tạo chuỗi liên kết tiêu thụ tại xã Định Thành…

Với mục tiêu hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị và khả năng tiêu thụ sản phẩm, hội đã phối hợp ngành chuyên môn lựa chọn và hỗ trợ kinh phí cho các mô hình có tiềm năng phát triển và nhân rộng. Tiêu biểu như: Trồng mãng cầu hạt lép theo hướng VietGAP điều khiển từ Smartphone (172 triệu đồng); ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến sản phẩm trà (200 triệu đồng); nuôi lươn thương phẩm trong nhà tuần hoàn và thay nước tự động (200 triệu đồng); mô hình trồng cây sung trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nước và châm phân tự động (190 triệu đồng)...

Với những thành tựu đã đạt được, nông nghiệp Thoại Sơn đang ngày càng khẳng định vị thế trong bức tranh kinh tế của tỉnh An Giang. Sự năng động, sáng tạo và tinh thần đoàn kết của Hội Nông dân huyện, cùng với nỗ lực không ngừng của bà con nông dân đã tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có giá trị gia tăng cao.

PHƯƠNG LAN