Nông thôn mới An Giang

28/11/2023 - 22:47

 - Nếu nét nổi bật của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn An Giang giai đoạn 2010 - 2020 là tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đổi thay diện mạo vùng nông thôn thì giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung vào nâng cao đời sống, thu nhập của người dân vùng nông thôn một cách bền vững.

Thời gian qua, chương trình xây dựng NTM của An Giang đã huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận và đồng lòng, cùng chung sức xây dựng xã NTM trở thành “những miền quê đáng sống”. Người dân đóng vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng chính trực tiếp tham gia, làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, tiến bộ và là người giám sát quá trình này. Trong tiến trình xây dựng NTM, người dân được hưởng thành quả của sự phát triển và đó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người cống hiến.

Sản xuất của nông dân được áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay có 92 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa, kết hợp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị.

Đổi mới sản xuất nông nghiệp giúp người dân nâng cao thu nhập và đời sống

Theo quy định tiêu chí nghèo đa chiều dưới 4%, qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022, có 71 xã đạt chuẩn (chiếm 64,54% tổng số xã). Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1% so năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 ước đạt từ 56,2 triệu đồng/người/năm. Đến nay, có 88/110 xã đạt tiêu chí về  thu nhập (chiếm 80%). Cùng với đó, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cảnh quan môi trường đổi mới, hoạt động văn hóa - thể thao ngày càng được quan tâm, đầu tư phát triển, là những tiêu chí quan trọng phản ánh chất lượng đời sống của cư dân nông thôn.

Từ năm 2021 đến 9 tháng của năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh An Giang hơn 3.000 tỷ đồng. “Khi thực hiện, tỉnh đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép, trong đó có huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân. Việc đầu tư các hạng mục công trình trong xây dựng NTM luôn đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, không để nợ đọng xây dựng cơ bản” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm thông tin.

Đến nay, toàn tỉnh An Giang có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn); 71/110 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 64,54%), trong đó có 29 xã NTM nâng cao; 8 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn đạt chuẩn ấp NTM.

Theo Quyết định 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, An Giang có 7 xã, với 30 ấp nằm trong danh sách triển khai thực hiện ấp NTM. Tuy nhiên, nhằm giúp cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân tại các ấp khó khăn, vùng biên giới, UBND tỉnh đề ra lộ trình thực hiện 54 ấp NTM tại 13 xã. Đến nay, có 8 ấp được công nhận ấp NTM, chưa đảm bảo theo lộ trình, do các địa bàn thực hiện thuộc khu vực khó khăn, nguồn vốn đầu tư không nhiều, hiệu quả tuyên truyền chưa cao để người dân biết và cùng tham gia thực hiện.

Để đạt mục tiêu cho cả giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ xây dựng NTM trong nửa nhiệm kỳ còn lại sẽ chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh thực hiện các mô hình cảnh quan không gian sáng - xanh - sạch - đẹp; mô hình thu gom rác thải bảo vệ môi trường. Trong phát triển sản xuất, tỉnh chú trọng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng NTM phù hợp với từng giai đoạn, triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua xây dựng NTM nhằm biểu dương, khích lệ tập thể, cá nhân, tạo sự lan tỏa trong Nhân dân, cộng đồng và xã hội.

Tỉnh tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy các loại hình hợp tác bền vững; hỗ trợ các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu và kết nối cung - cầu. Đối với xây dựng NTM trong thời gian tới, sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển công nghệ số, đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, hướng tới NTM thông minh.

Giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh An Giang phấn đấu có thêm 16 xã NTM; 12 xã NTM nâng cao; 4 xã NTM kiểu mẫu; 46 ấp thuộc các xã khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí ấp NTM; có thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (huyện Chợ Mới, Châu Thành, TX. Tân Châu); huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

MỸ HẠNH