Dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone
Với dịch vụ thiết kế, lắp đặt hệ thống đèn đường, sửa chữa dây, loa đài truyền thanh, anh Nguyễn Thanh Tân và nhóm bạn hoạt động khá hiệu quả nhiều năm nay. Anh Tân tập hợp những thanh niên có tay nghề đã học qua lớp kỹ thuật điện và một số thanh niên chậm tiến (đã được công nhận tiến bộ) cùng làm việc, nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, ngăn chặn tình trạng các thanh niên tái vi phạm pháp luật. Xã đoàn đã giới thiệu cho anh vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất.
Anh Tân cho biết, mỗi hợp đồng với các xã thiết kế, lắp đặt hệ thống đèn đường, lợi nhuận bình quân thu về khoảng 30 - 35%/tổng chi phí. Còn thiết kế, lắp đặt dây loa thì lợi nhuận thu về từ 32 - 38%/tổng chi phí. Ưu điểm của mô hình này là chi phí vật liệu thấp hơn giá thị trường do được cung cấp từ doanh nghiệp (DN) quen thuộc và uy tín.
Cùng với đó, nguồn nhân lực sẵn có tại địa phương, thuận tiện cơ động khi cần nhiều người làm việc. Câu lạc bộ (CLB) có sự tính toán để chi phí lắp đặt luôn được ưu thế giá cạnh tranh và chất lượng đảm bảo. Hiện nay, thu nhập bình quân của các thành viên mỗi tháng từ 5 - 8 triệu đồng.
Một nhóm khác bắt nhịp tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp, từ hiệu quả của dịch vụ, CLB sử dụng drone (máy bay không người lái) ở ấp Hiệp Hưng với 6 thành viên ra đời. Bạn Cao Quốc Tạo (thành viên CLB) cho biết, thời gian trước, nhóm chủ yếu làm dịch vụ sạ phân, xịt sâu, hoàn toàn bằng thủ công.
Thấy sử dụng drone là hình thức mới mẻ và có xu hướng phổ biến trên đồng ruộng, Quốc Tạo cùng bạn Phạm Minh Hiệp đã góp tiền mua máy, nâng cấp dịch vụ của CLB để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con trong vùng. Sau tìm hiểu trên mạng, theo dõi cách thức vận hành của DN thí điểm trên địa bàn xã gắn với mô hình liên kết sản xuất lúa, các chàng trai còn mạnh dạn đi học, chăm chỉ thực hành rồi hướng dẫn cho các thành viên còn lại.
“Chiếc drone trị giá 373 triệu đồng, để “tậu” được về cho nhóm sử dụng, tụi em bàn bạc với nhau, trăn trở mấy tháng vì sợ nông dân không ưa chuộng. Tuy nhiên, cơ giới hóa trên đồng ruộng ngày càng mạnh mẽ, bà con thích ứng đổi mới tư duy rất nhanh. Từ ngày có drone làm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật, CLB hoạt động mạnh hơn. Trong xã, có hơn 90% nông dân lựa chọn dịch vụ phun thuốc bằng drone. Ngoài ra, các thành viên chia nhau đến cung cấp dịch vụ ở các xã lân cận, như: Bình Thạnh Đông, Phú Bình, Phú Thành, Phú Hưng…” - Quốc Tạo chia sẻ.
Dịch vụ này “đắt show” quanh năm, chỉ thu hẹp vụ đông xuân do một số tiểu vùng xả lũ. So sánh trước đây, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thủ công tốn khoảng 50cc thuốc/lần xịt thì với drone đã tiết kiệm được 20 - 30%. Ngoài nhu cầu sử dụng để phun thuốc, drone còn được dùng để sạ lúa, rải phân.
Sau mấy trận mưa ngập ruộng, các bạn còn phát hiện thêm tính năng của drone có thể “thổi” ráo lúa để máy cắt xuống đồng thu hoạch dễ dàng. Vụ đông xuân năm ngoái, nguồn thu từ dịch vụ đã giúp CLB hoàn vốn mua drone. Bình quân hàng tháng, thu nhập của mỗi thành viên kiếm được hơn 10 triệu đồng.
Ngoài được hướng dẫn cách sử dụng drone, thành viên trong CLB đều trải qua hướng dẫn, trang bị kiến thức để bảo vệ sức khỏe, học cách pha chế thuốc an toàn. Là một người gắn bó với nghề nông, gia đình chỉ có ít đất ruộng, Quốc Tạo mong muốn các bạn đồng lứa cùng có cơ hội cải thiện cuộc sống tốt hơn. Trước đây làm thủ công hiệu quả không cao, số tiền kiếm được khiêm tốn…
Từ khi mạnh dạn đầu tư máy móc, nâng cao dịch vụ, mọi người đều phấn khởi vì công việc nhàn hơn, thu nhập đồng đều, ổn định và đảm bảo cuộc sống. CLB dự định thời gian tới sẽ trang bị thêm máy đa chức năng cày, cuộn rơm và đắp bờ. Đồng thời, sẵn sàng chỉ dẫn, tạo việc làm thu hút thêm thanh niên tham gia hoặc thuê máy làm dịch vụ riêng.
Bí thư Xã đoàn Hiệp Xương Nguyễn Thị Ngà cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều năm nay, xã Hiệp Xương nổi lên nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế có hiệu quả. Trong đó, có các CLB: Trồng gừng trong chậu cao su, trồng nấm bào ngư, chăn nuôi gà an toàn sinh học, chăn nuôi bò…
Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang các loại hình tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ đang hình thành có triển vọng. Nhu cầu việc làm, nhất là giải quyết việc làm tại chỗ của thanh niên đang là mối quan tâm của các cấp, ngành. Các mô hình hoạt động có hiệu quả nổi trội, địa phương đều ghi nhận nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên để có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp tục phát triển, nhất là tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng và phát triển sản xuất.
MỸ HẠNH