Phản ánh nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm

11/08/2020 - 06:47

 - Báo An Giang nhận được phản ánh của một số hộ dân khu vực kênh 4 cũ (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phú, Châu Phú) về nước sử dụng không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con.

Ông Phương chỉ đoạn kênh bị ô nhiễm

Đại diện các hộ dân, ông Phạm Văn Phương cho biết: “Đây là con kênh chống lũ, từ năm 2008 nhà nước làm con đập để ngăn lũ đặt ở 2 đầu kênh. Năm 2019, nhà nước đầu tư làm cống ở đầu kênh 4 cũ, họp dân thông tin: “sẽ đóng mở khi nước lớn nhằm bảo vệ đê và đảm bảo nguồn nước lưu thông cho bà con sử dụng”. Tuy nhiên, vừa qua địa phương đóng cống bửng lại, chặn nước từ sông cái vào, trong khi nước lũ chưa về, gây khó khăn cho bà con khu vực giữa tuyến kênh (toàn tuyến dài khoảng 5km). Nguồn nước cạn kiệt, rác và lục bình tập kết làm ô nhiễm môi trường. Bà con chỉ sử dụng từ nguồn nước dưới kênh này, mà hiện nay nước quá dơ, không thể sử dụng ăn uống được. Những hộ dân ở 2 đầu kênh còn đỡ, chứ những hộ như chúng tôi sống đoạn giữa kênh thì nước chuyển màu. Rất mong chính quyền địa phương quan tâm đến cuộc sống của chúng tôi, chỉ mong nguồn nước đảm bảo trong sạch hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày”.

Tuy nhiên, tiếp xúc với một hộ dân gần đó, phóng viên được thông tin trái chiều: “Cả năm trước khi địa phương làm cống, đê bao, nước bị ô nhiễm hơn hiện giờ, người dân vẫn sử dụng được. Đóng bửng chỉ khoảng 10 ngày nay, nhằm bảo vệ lúa cho nông dân. Tôi có nói với bà con phía bên trong, nếu cần tôi cho nước chở về uống, nấu ăn hàng ngày, còn nước dưới kênh hiện tại vẫn sử dụng sinh hoạt, tắm giặt được”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Mỹ Phú cho biết, trước đây, tại khu vực sản xuất lúa, nếp ấp Mỹ An, mỗi lần nước lớn gây khó khăn cho Tổ hợp tác sản xuất số 1, 2 trong việc điều tiết nước. Vừa qua, huyện đầu tư làm cống kết hợp đê bao chống lũ, đảm bảo diện tích lúa toàn khu vực không bị ảnh hưởng do lũ. Sau đó, địa phương tiến hành họp dân xin ý kiến làm cống ngầm, nhưng đa số bà con không thống nhất, mà đề nghị làm cống hở, để nước được lưu thông ra vào, khi cần thiết sẽ đóng lại. Hiện nay, ruộng lúa từ kênh 4 cũ trở vô ấp Mỹ An đang trong giai đoạn thu hoạch. Nước bên ngoài lớn, nếu không đóng bửng ngăn lại thì nước tràn vào, gây thiệt hại lúa. Do vậy, Đảng ủy, UBND xã thống nhất hạ bửng xuống vài hôm, khi bà con thu hoạch xong sẽ tháo dỡ ra. Tuy nhiên, mấy ngày qua mưa bão liên tục nên bà con chưa thu hoạch lúa xong. Tổng diện tích lúa khu vực này khoảng 1.500ha (cả 2 vùng), hiện tại còn gần 200ha chưa thu hoạch.

“Việc đóng bửng ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình sử dụng nước của một số hộ dân sinh sống rải rác dọc trên tuyến kênh dài. Chúng tôi biết được cái khó của người dân nơi đây. Nếu đóng bửng thì nước không ra vào được, cộng với lượng nước từ ruộng đổ xuống ứ đọng, không thể sạch như nước máy. Thế nhưng, không đóng bửng thì nước tràn vào ruộng, không thu hoạch lúa được, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ trồng lúa. Vì vậy, địa phương đã động viên bà con cố gắng chịu khó thêm ít ngày, đợi nông dân thu hoạch xong. Năm 2018, địa phương có đề nghị Xí nghiệp điện nước khảo sát, hỗ trợ nước sạch cho bà con sử dụng. Tuy nhiên, khu vực này dân cư ít, sống thưa thớt, chủ yếu bà con cất trại ở làm lúa, rẫy, hoa màu… nên việc kéo điện, nước về tuyến kênh này không khả thi, chi phí rất cao. Do vậy, người dân sử dụng nước chủ yếu dưới con kênh này, còn điện thì sử dụng chung với tổ hợp tác sản xuất” - đại diện UBND xã thông tin thêm.

Bài, ảnh: K.N