Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 15%, giảm lãi suất gỡ khó cho doanh nghiệp

01/06/2024 - 19:53

Thủ tướng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 1/6.

Theo ông Sơn, trên cơ sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng nêu rõ quan điểm định hướng chỉ đạo, điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới.

Trong đó, về điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

"Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 5%, cả năm khoảng 15%; tiếp tục thực hiện việc giảm lãi suất cho vay từ 1 đến 2%, trong đó 5 ngân hàng thương mại lớn là nòng cốt", ông Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. (Ảnh: VGP)

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước (NSNN). Các cơ quan, đơn vị cần sớm có phương án huy động thêm 100 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng giao thông; tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc trong huy động, sử dụng vốn ODA.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra; có giải pháp ổn định thị trường, giá cả.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo Quốc hội cho phép chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn từ nơi chưa phân bổ, chậm giải ngân sang nơi giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khẩn trương ban hành đầy đủ, kịp thời các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng…

Trước đó, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, tháng 5/2024 tăng 3,9% so với tháng 4 và tăng 8,9% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 6,8%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 9,5%; 5 tháng đầu năm nay tăng 8,7%.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 4,03%. Tỷ giá, lãi suất có xu hướng ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm nay đạt 4,15 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,65 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 38,2% về trị giá.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) tháng 5/2024 tăng 9,1% so với tháng 4 và tăng 22,6% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm nay tăng 16,6%, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. Đặc biệt, nhập khẩu tăng trở lại phục vụ cho sản xuất trong nước và cán cân thương mại 5 tháng xuất siêu 8,01 tỷ USD.

Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Khách quốc tế 5 tháng đạt 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.

“Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 11 tỷ USD, tăng 2%, trong đó vốn đăng ký mới đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5%, cao nhất trong 3 năm qua; vốn FDI thực hiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8%, cao nhất trong những năm qua”, Bộ trưởng Sơn cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn.

Đó là, sức ép chỉ đạo điều hành còn cao, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá và nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng; tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; nông nghiệp gặp thời tiết bất lợi; sản xuất công nghiệp, một số ngành dịch vụ, sức mua phục hồi nhưng còn chậm...

“Việc tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội chưa được cải thiện; còn 29.100 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ...", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nói.

Theo THÀNH LÂM (VTC News)