Phát huy hiệu quả ngành chăn nuôi

08/04/2021 - 02:47

 - Lợi thế của chăn nuôi là không đòi hỏi diện tích quá lớn nhưng giá trị kinh tế mang lại khá cao. Để chăn nuôi hiệu quả, cần phát triển theo hướng quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ mới, liên kết đầu ra sản phẩm…

Chăn nuôi heo mang lại giá trị kinh tế cao

Doanh nghiệp quan tâm

Không phải tự nhiên đang “ăn nên, làm ra” trong lĩnh vực ô tô (thị phần ôtô đứng đầu cả nước), Tập đoàn THACO lại “nhảy” sang một số lĩnh vực khác, trong đó trọng điểm là lĩnh nông nghiệp với việc thành lập Công ty THAGRICO. Đây là tham vọng rất lớn của Tập đoàn THACO khi muốn tập trung khai thác tiềm năng và dư địa phát triển còn rất lớn của nông nghiệp Việt Nam.

Tổng Giám đốc Tập đoàn THACO Phạm Văn Tài cho biết, từ đầu năm 2020, THAGRICO đã mua lại toàn bộ mảng chăn nuôi heo của Tập đoàn Hùng Vương và tái cơ cấu lại mảng kinh doanh nhiều triển vọng này. Tại An Giang, THAGRICO tập trung hoàn thiện quy trình chăn nuôi tiên tiến tại 3 trại heo giống công nghệ cao, gồm: Trại heo giống Tri Tôn 1 (xã Lương An Trà, Tri Tôn), diện tích 12,6ha, công suất 2.400 con heo nái; Trại heo giống Tri Tôn 2 (xã Lương Phi, Tri Tôn), diện tích 9,6ha, công suất 2.400 con nái; Trại heo giống công nghệ cao Việt Đan Tịnh Biên (xã An Cư, Tịnh Biên), diện tích 50ha, tổng công suất 11.200 con heo giống cụ kỵ, ông bà (được nhập khẩu từ Đan Mạch) cùng trại nuôi heo cai sữa tổng số lượng nuôi 24.000 con.

“Theo định hướng kế hoạch, cùng với các trại heo giống, THACO sẽ phát triển tại An Giang 4 trại heo thịt với công suất 192.000 con để bán tại thị trường ĐBSCL và Campuchia. Nếu An Giang có thuận lợi về quỹ đất, THACO sẽ tập trung đầu tư tại tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch vùng sản xuất chăn nuôi của THAGRICO” - ông Tài nhấn mạnh.

Sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) lớn như THACO cho thấy, tiềm năng phát triển chăn nuôi của An Giang rất lớn, nhất là nuôi quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Để đáp ứng nhu cầu của DN, bên cạnh tích cực mời gọi đầu tư, tỉnh còn chủ động tạo quỹ đất, áp dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp có lợi nhất cho DN. Đồng thời, đẩy mạnh tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm; thường xuyên thực hiện giám sát dịch bệnh, vệ sinh, tiêu độc môi trường chăn nuôi, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất và nhập vào tỉnh; kiểm soát giết mổ.

Đối với kiểm dịch tuyến biên giới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang phân công kiểm dịch viên thường xuyên túc trực tại cửa khẩu, phối hợp với các đơn vị chức năng tại cửa khẩu kiểm tra chặt chẽ các phương tiện vận chuyển và hàng xách tay, ngăn chặn nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, nhất là đối với heo, gia cầm và sản phẩm làm từ heo, gia cầm; hướng dẫn người dân, DN đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập khẩu khi có nhu cầu. Ngành chức năng còn thực hiện rải vôi sát trùng tiêu độc hàng ngày với diện tích 30m2 (3m x 10m) tại lối các phương tiện và người đi bộ nhập cảnh vào Việt Nam; thực hiện tiêu độc, sát trùng môi trường tại cửa khẩu để tiêu diệt mầm bệnh…

Quan tâm tái đàn

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, triển khai dự án “Phát triển đàn bò theo hướng công nghệ cao”, ngành thú y đã thực hiện gieo tinh nhân tạo bò hướng thịt (Brahman Mỹ, Charoclaise, Droughtmaster) cho 100 lượt bò sinh sản; tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện dự án. Triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2020 (theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ đến tháng 9-2020 hơn 305 triệu đồng, gồm: hỗ trợ 102 liều tinh bò, 14 liều tinh heo, 45 công trình khí sinh học, 13 đệm lót sinh học, 12 bình chứa ni-tơ lỏng…

Trên cơ sở xây dựng mô hình thí điểm tái đàn heo trong giai đoạn bệnh dịch tả heo Châu Phi chưa có vaccine tiêm phòng (Quyết định số 2953/QĐ-UBND của UBND tỉnh), Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu môi trường (đất, nước) tại 20 hộ chăn nuôi đã được thẩm định và gửi mẫu xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng VII. Kết quả, tất cả 20 mẫu đều không phát hiện virus dịch tả heo Châu Phi (âm tính). Đối với kế hoạch tái đàn heo năm 2020 trong giai đoạn bệnh dịch tả heo Châu Phi được ngăn chặn (Quyết định số 615/QĐ-UBND của UBND tỉnh), ngành chăn nuôi đã ứng dụng, vận hành phần mềm quản lý chăn nuôi do VNPT cung cấp; đã tập huấn 5 lớp, với 184 cán bộ kỹ thuật ở Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện, xã.

Theo chỉ tiêu đề ra, giá trị sản xuất (GO) chăn nuôi năm 2021 tăng khoảng 150 tỷ đồng so năm 2020. Cụ thể: chăn nuôi heo thịt năm 2021 tăng khoảng 18.000 con so với năm 2020. Trong đó, trại heo Định Thành (Thoại Sơn) 3.000 con/lứa x 2 lứa/năm = 6.000 con; trại Hoàng Vĩnh Phước 6.000 con/lứa x 2 lứa/năm = 12.000 con. Như vậy, giá trị sản xuất (GO) ngành chăn nuôi heo tăng thêm 56 tỷ đồng. Đối với chăn nuôi gà thịt, năm 2021 dự kiến tăng 150.000 con so năm 2020, kéo GO tăng thêm 20 tỷ đồng.

Trong đó, trại gà An Tâm (Châu Phú) tăng 1 trại x 20.000 con/trại x 3 lứa = 60.000 con gà thịt; trại Cẩm Giang (Tịnh Biên) tăng 2 trại x 15.000 con/trại x 3 lứa = 90.000 con gà thịt. Về chăn nuôi bò sữa, năm 2021 tăng 2.000 con so năm 2020 do Tập đoàn TH đầu tư phát triển tại Tri Tôn, Tịnh Biên, kéo GO tăng thêm 70 tỷ đồng. Riêng trứng và các sản phẩm chăn nuôi khác tăng 4 tỷ đồng.

NGÔ CHUẨN

Kế hoạch tổng GO (giá trị sản xuất) ngành chăn nuôi năm 2021 ước tăng 150 tỷ đồng so năm 2020, bình quân mỗi quý tăng thêm 37,5 tỷ đồng.