Ra mắt Chi hội nghề nghiệp “hồng quân núi Két” tại phường Thới Sơn
Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới Sơn Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Chi hội nghề nghiệp “hồng quân núi Két” với 22 thành viên tham gia, canh tác trên diện tích 27,3ha cây hồng quân. Các thành viên sẽ tham gia vào 2 tổ hội là tổ chiết cành, nhân giống và tổ kỹ thuật, chăm sóc, nhằm hỗ trợ nhau về phương pháp, kỹ thuật canh tác cây hồng quân. Mục tiêu thành lập chi hội nhằm giúp hội viên có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm, tiếp cận khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất của cây hồng quân, hướng đến việc cung cấp sản lượng lớn cho thị trường”.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, cây hồng quân vốn là đặc sản của vùng Bảy Núi. Tuy nhiên, chỉ khu vực núi Két, núi Dài Năm Giếng mới cho ra trái hồng quân đậm đà hương vị đặc trưng. Đó là cơ sở để Hội Nông dân phường Thới Sơn quyết định thành lập Chi hội nghề nghiệp “hồng quân núi Két” để khai thác đặc sản này.
“Bên cạnh việc trao đổi, học hỏi kỹ thuật, các thành viên của chi hội sẽ được tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp nhằm phục vụ khách tham quan. Cùng với đó, chúng tôi phối hợp Hội Nông dân thị xã tổ chức các hội thảo, nghiên cứu các phương pháp chế biến sản phẩm từ trái hồng quân nhằm mở rộng thị trường, nâng cao giá trị của loại đặc sản này” - ông Nguyễn Văn Phúc dự định.
Là Chi hội phó Chi hội nghề nghiệp “hồng quân núi Két”, anh Huỳnh Phương Vinh chia sẻ: “Nông dân ở các phường Thới Sơn, An Phú có kinh nghiệm canh tác cây hồng quân Bảy Núi. Tuy nhiên, phương pháp canh tác hiện nay chủ yếu dựa vào tự nhiên, với thế mạnh thổ nhưỡng đặc thù mà chưa có biện pháp tăng năng suất hiệu quả. Sản phẩm của chúng tôi làm ra chủ yếu bán theo mùa, nên hiệu quả kinh tế không như mong đợi. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Chi hội nghề nghiệp “hồng quân núi Két” sẽ là cơ sở để nông dân Tịnh Biên, nhất là nông dân các phường Thới Sơn, An Phú khai thác hiệu quả loại trái cây đặc sản của quê hương, nâng cao thu nhập từ mảnh vườn của mình”.
Anh Vinh cũng cho hay, các thành viên trong chi hội đều rất đồng lòng, với mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của cây hồng quân. Cùng với việc ra mắt và duy trì hoạt động của chi hội theo quy chế đề ra, các thành viên sẽ tích cực vận động thêm nhiều nông dân cùng tham gia trên tinh thần tự nguyện, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX. Tịnh Biên Lý Thanh Tùng cho hay: “Chi hội nghề nghiệp “hồng quân núi Két” là chi hội thứ 2 do Hội Nông dân thị xã phối hợp hội nông dân các địa phương thực hiện. Trước đó, chúng tôi phối hợp Hội Nông dân xã An Hảo thành lập Chi hội nghề nghiệp “quýt hồng núi Cấm”, cũng với mục tiêu nâng tầm giá trị của các loại trái đặc sản địa phương. Với trái hồng quân có chất lượng cao hơn hẳn những nơi khác, chúng tôi muốn đa dạng hóa cách chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm, không chỉ là bán trái tươi đơn thuần như hiện nay”.
Cần đa dạng hóa sản phẩm từ trái hồng quân
Ông Lý Thanh Tùng phân tích, nông dân các phường Thới Sơn, An Phú chủ yếu chỉ bán trái hồng quân tươi cho du khách và người dân địa phương. Thời điểm đầu mùa, giá có cao đôi chút nhưng bước vào vụ rộ, giá bán chỉ từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Có thời điểm, loại trái này xuống mức giá dưới 10.000 đồng/kg, làm cho nông dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có biện pháp để đa dạng hóa sản phẩm từ trái hồng quân, giúp người nông dân xứ núi tăng nguồn thu từ đặc sản này.
“Chúng tôi phối hợp Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học An Giang) tiến hành thử nghiệm phát triển các sản phẩm mới từ trái hồng quân. Trước mắt là rượu hồng quân, mứt hồng quân, nước chấm từ hồng quân… để nông dân đánh giá chất lượng sản phẩm. Bước đầu, các sản phẩm này được nông dân canh tác hồng quân đánh giá cao. Chúng tôi sẽ hướng tới thực hiện các bước tiếp theo để đưa các sản phẩm này vào sản xuất số lượng lớn, giúp nông dân tăng thu nhập” - ông Lý Thanh Tùng cho biết.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhận định đây là quá trình lâu dài, cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành chuyên môn để những sản phẩm làm ra từ trái hồng quân trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của TX. Tịnh Biên, với vùng nguyên liệu ổn định, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
“Chúng tôi đang từng bước thực hiện mục tiêu đề ra trên cơ sở phối hợp các ngành, địa phương. Mong rằng, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ của ngành chuyên môn sẽ giúp cho cây hồng quân thực sự trở thành nguồn thu khá của nông dân Tịnh Biên. Qua đó, góp phần đẩy mạnh mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn thị xã trong thời gian tới” - ông Lý Thanh Tùng kỳ vọng.
THANH TIẾN