Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy bên lô xoài xuất khẩu sang hị trường Úc và Hoa Kỳ
Phát triển về số lượng và chất lượng
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế tập thể đóng vai trò rất quan trọng, nhất là vùng nông thôn. Thông qua việc hình thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), người dân có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, kinh tế tập thể cũng góp phần bảo vệ môi trường, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên, giảm nghèo bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, những năm qua, kinh tế tập thể ở An Giang đạt những kết quả đáng kể. Nhiều HTX nông nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên. Bên cạnh đó, các HTX phi nông nghiệp cũng phát triển mạnh mẽ, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho cộng đồng, góp phần cải thiện đời sống người dân. Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh thành lập mới 156 THT và 12 HTX. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 297 HTX, 2 liên hiệp HTX và 1.193 THT. Tổng số thành viên HTX toàn tỉnh trên 138.000 người, của liên hiệp HTX là 14 thành viên HTX nông nghiệp và THT trên 16.600 thành viên. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX, liện hiệp HTX là 6.542 người, số lao động đồng thời là thành viên HTX khoảng 1.963 người.
Doanh thu bình quân của HTX khoảng 6,4 tỷ đồng/năm, lãi bình quân trên 1,2 tỷ đồng/năm. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, có 113/178 HTX đang hoạt động có báo cáo kết quả tổng kết hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2023 với doanh thu bình quân khoảng trên 4,6 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận trung bình của các HTX nông nghiệp đạt khoảng 96,17 triệu đồng/năm, cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Điều đáng mừng là có đến 82 HTX nông nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, việc 11 HTX thực hiện tốt việc phân phối lợi nhuận sau thuế cho thành viên và đảm bảo trích lập các quỹ theo quy định đã góp phần tăng cường niềm tin của thành viên vào HTX và đảm bảo sự phát triển bền vững của HTX. Về thu nhập của thành viên khoảng 64,26 triệu đồng/người/năm là tín hiệu tích cực, cho thấy HTX đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là nông dân.
Sức mạnh chung, tương lai bền vững
HTX nông nghiệp An Bình hay HTX nông nghiệp Chợ Vàm, HTX GAP Cù Lao Giêng là những điển hình về sự thành công của mô hình này. Trong đó, HTX Chợ Vàm từ một HTX nhỏ ban đầu đã không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, tăng diện tích canh tác và số lượng thành viên. Hiện nay, HTX là một trong những đơn vị sản xuất lúa hàng hóa lớn nhất tại huyện Phú Tân. “Tháng 10/2024, HTX nông nghiệp Chợ Vàm được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Sự thành công của HTX Chợ Vàm đã chứng minh rằng, với sự đoàn kết, nỗ lực và sự lãnh đạo đúng đắn, các HTX có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Phước Dũng thông tin.
Hay HTX GAP Cù Lao Giêng có một hành trình phát triển đầy ấn tượng. Xuất phát từ 1 hội quán nhỏ tập hợp những người nông dân trồng xoài ba màu, nhờ hỗ trợ của chính quyền địa phương và nỗ lực không ngừng của các thành viên, hội quán đã nâng cấp thành HTX. Ban đầu, HTX chỉ có 7 thành viên và chưa có trụ sở ổn định. Tuy nhiên, với tầm nhìn phát triển bền vững, HTX đã không ngừng mở rộng quy mô, đến nay, có 4 dịch vụ và 51 thành viên chính thức. Với diện tích trồng xoài trên 200ha và sản lượng đạt trên 1.500 tấn/năm, HTX đã liên kết với hơn 100 hộ dân sản xuất xoài ba màu theo tiêu chuẩn VietGAP. “Sản phẩm của HTX được các doanh nghiệp lớn, như: Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, Tập đoàn T&T Group tin tưởng lựa chọn để xuất khẩu. Nhờ đó, HTX đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương và mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên” - ông Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc HTX GAP Cù Lao Giêng cho biết. Doanh thu của HTX cũng tăng trưởng đều đặn qua các năm, từ 2,3 tỷ đồng năm 2022 lên 4,8 tỷ đồng năm 2023. “Những thành công của HTX GAP Cù Lao Giêng là minh chứng rõ ràng cho thấy mô hình HTX có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống của người dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy bày tỏ.
Năm 2025, tỉnh tập trung phát triển mới hoặc nâng chất các HTX đang hoạt động; nâng chất các THT hiệu quả tại các vùng sản xuất chưa có tổ chức đại diện nông dân. Đặc biệt, chú trọng phát triển các HTX gắn với xây dựng nguyên liệu quy mô lớn, thực hiện liên kết với doanh nghiệp. Phát triển các HTX, THT gắn với nhu cầu tổ chức sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả; thực hiện liên kết với doanh nghiệp hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, quy mô công nghiệp, khép kín từ sản xuất đến chế biến.
Tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX; từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, chuyển đổi số, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường quốc tế, nâng cao giá trị, thương hiệu nông sản; chú trọng cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo tính minh bạch và chất lượng sản phẩm.
|
THU THẢO