Phát triển An Giang trở thành tỉnh năng động, hiện đại

26/02/2024 - 06:16

 - An Giang có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực Tây Nam Bộ cũng như cả nước. Theo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL, có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững. Đây là nền tảng, động lực để phát triển An Giang trở thành tỉnh năng động, hiện đại, văn minh.

Phát triển An Giang trở thành tỉnh năng động, hiện đại

Phát triển hài hòa

Mục tiêu đưa An Giang trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch (DL) sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH) đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.

Quan điểm của tỉnh ưu tiên phát triển nhanh, mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại kinh tế theo hướng phát triển các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu vực đô thị hóa, công nghiệp hóa tạo ra sự phát triển đột phá. Phát triển nhanh các loại hình doanh nghiệp (DN), các khu vực kinh tế.

Tỉnh tập trung phát triển 3 trụ cột: Nông thủy sản hàng hóa chất lượng cao; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và công nghiệp năng lượng; các dịch vụ giá trị gia tăng, thương mại nội địa, xuất, nhập khẩu, logistics và DL văn hóa có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, DL sinh thái. Tỉnh phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với 3 vùng sinh thái đặc trưng của tỉnh (lưu vực sông Tiền, sông Hậu; vùng Bảy Núi; vùng Tứ giác Long Xuyên), gắn với thương mại, DL và công nghiệp chế biến. Phát triển công nghiệp theo hướng xanh, với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Phát triển thương mại theo hướng là đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của một số tỉnh trong vùng sang thị trường Campuchia và ASEAN; phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng.

Đồng thời, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực, nâng cao đời sống của Nhân dân. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa, lịch sử của các dân tộc; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh

Tỉnh tổ chức, sắp xếp không gian phát triển các hoạt động KTXH, quốc phòng - an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo đảm phát huy vị thế chiến lược của tỉnh với vùng ĐBSCL, kết nối với TP. Hồ Chí Minh, các địa phương vùng Đông Nam Bộ và hợp tác với Campuchia. Ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế, khu vực có vai trò động lực, tạo cực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển. Đồng thời, ưu tiên phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông, khu kinh tế cửa khẩu, các khu, cụm công nghiệp, DL; hạ tầng phục vụ chuyển đổi số...

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của An Giang đạt bình quân 7%/năm; tỷ trọng trong GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 20%, công nghiệp - xây dựng khoảng 25%, dịch vụ khoảng 50%; GRDP bình quân đầu người trên 157 triệu đồng; kinh tế số trên 20% GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN... Một trong những đột phá phát triển của tỉnh là ban hành các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực, nhà đầu tư vào các lĩnh vực đột phá phát triển.

Tỉnh huy động tối đa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên, hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu, các khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực; mạng lưới hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Việc triển khai quy hoạch là cơ hội quảng bá lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của địa phương; cung cấp thông tin những vấn đề nhà đầu tư quan tâm. Ngay sau khi quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung tất cả các quy hoạch: Xây dựng, sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác để đảm bảo đồng bộ với quy hoạch tỉnh; làm cơ sở pháp lý để triển khai các dự án đầu tư, mời gọi đầu tư các dự án trọng điểm. Tỉnh cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

“Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành, chia sẻ và tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt vòng đời dự án. Cụ thể, từ khâu tìm hiểu, khảo sát vị trí đến khi thực hiện các thủ tục đầu tư và đưa dự án vào vận hành khai thác, sử dụng. Với khát vọng phát triển, An Giang luôn đồng hành và chào đón các nhà đầu tư bằng lòng nhiệt tình, sự thân thiện và cởi mở, cùng đóng góp cho sự phát triển của tỉnh và DN” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước khẳng định.

HẠNH CHÂU