Bên cạnh việc kiện toàn, củng cố tổ chức nhằm thực hiện tốt chức năng của tổ chức CĐ, nâng cao vị trí, vai trò của CĐ, thu hút đông đảo NLĐ gia nhập, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã xây dựng chương trình nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS khu vực ngoài nhà nước giai đoạn 2017-2020 để thí điểm và sơ kết rút kinh nghiệm.
Trong năm qua, để hoàn thành chỉ tiêu phát triển đoàn viên, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đổi mới, đa dạng hóa phương thức phát triển đoàn viên theo hướng có sự tham gia tích cực của NLĐ vào quá trình vận động thành lập CĐCS. LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố được giao chỉ tiêu cụ thể, đồng thời phối hợp các ban, ngành có liên quan như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Chi cục Thuế và Tổ công tác cơ sở của tỉnh xây dựng kế hoạch, khảo sát DN trên địa bàn để tuyên truyền, vận động các DN đủ điều kiện thành lập CĐCS. Bên cạnh đó cũng tập trung vào những địa phương có CĐCS đông công nhân LĐ để tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên.
Kết quả, các cấp CĐ đã phát triển được 12.336 đoàn viên, số tăng thực tế là 7.375 đoàn viên, đạt tỷ lệ 113,46% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ giao và thành lập mới 18 CĐCS. Hệ thống tổ chức CĐ trong tỉnh đến nay có 11 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố; CĐ các khu công nghiệp tỉnh, 2 CĐ ngành (giáo dục và y tế); 1.616 CĐCS, nghiệp đoàn với 96.996 đoàn viên/103.129 công nhân, viên chức LĐ. Năm 2018, song song nhiệm vụ xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, các cấp CĐ phấn đấu phát triển 2.500 đoàn viên (quý I phấn đấu 1.500 đoàn viên) để hoàn thành chỉ tiêu Tổng LĐLĐ giao và hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IX CĐ tỉnh.
Phát triển đoàn viên và thành lập mới CĐCS tại CĐ các khu công nghiệp tỉnh
Theo đánh giá của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, hoạt động CĐ ở địa phương hiện nay được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên của tỉnh đầu tư có chiều sâu, các cấp CĐ chủ động xây dựng kế hoạch khảo sát, vận động, tuyên truyền phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS ở những đơn vị có đủ điều kiện và mang lại những kết quả thiết thực. Công tác quy hoạch được gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ trẻ, nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và trình độ chuyên môn nhằm để xây dựng lực lượng kế thừa đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu hoạt động CĐ trong tình hình mới.
Kết quả trên có thể khẳng định những phương pháp đang thực hiện đã đem lại tín hiệu tích cực, dù hiện tại còn không ít khó khăn. Đó là điều kiện khách quan của tỉnh, DN chủ yếu hoạt động kinh doanh theo hộ gia đình, chỉ thuê vài LĐ làm việc thời vụ; còn DN hoạt động sản xuất với quy mô nhỏ lại làm việc phân tán, NLĐ chưa thật sự gắn bó với DN, một phần chưa có sự ủng hộ tích cực từ phía chủ DN... Mặt khác, do tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN đã thành lập CĐCS đang gặp nhiều khó khăn nên có hiện tượng LĐ “nhảy việc”. Hoặc có DN giải thể nên tỷ lệ đoàn viên CĐ giảm. Để vượt qua những trở ngại này, LĐLĐ đã xác định tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động CĐ, nhất là trong việc chuyển đổi, sáp nhập, thành lập cũng như giải thể CĐCS, nghiệp đoàn theo điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chăm lo cho đoàn viên để tạo sự khác biệt với LĐ chưa phải là đoàn viên CĐ; đồng hành, chia sẻ cùng DN vượt qua khó khăn, vận động NLĐ gắn bó để DN phát triển bền vững.
MỸ HẠNH