Trước năm 2010, hệ thống GT của huyện Châu Phú chỉ có 59,7km được láng nhựa, 11,2km bê-tông xi măng còn lại là đường cấp phối và đường đất. Có 267/308 cây cầu gỗ và cầu treo tải trọng thấp, không đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa của người dân. Xuất phát từ thực trạng trên, Đảng bộ huyện Châu Phú xác định phát triển thương mại, dịch vụ và xây dựng hạ tầng GT là một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhằm tạo nên hệ thống GT an toàn, thông suốt trong toàn huyện, nối liền trung tâm hành chính huyện đến các xã “vùng trong”, tạo tiền đề đưa KT-XH địa phương phát triển.
Niềm vui từ những chiếc cầu khang trang
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, Châu Phú đã huy động nguồn lực từ nhân dân để phát triển hệ thống GT, đồng thời, ban hành kế hoạch hàng năm để định hướng thực hiện. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Việc đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng GT tập trung chủ yếu các tuyến đường trục chính của huyện, nơi có kết cấu mặt đường đất hoặc cấp phối chưa đạt chuẩn như: đường đông Kênh 7, nam Kênh 10, tây Kênh 13; các cầu, cống trên tuyến và hệ thống cầu đường khác trong huyện. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã xây dựng, phát triển 92 công trình cầu đường với tổng kinh phí trên 201 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 51,8 tỷ đồng. Cụ thể, đã xây dựng 36/40 cầu, cống (đạt tỷ lệ 90% so nghị quyết); đầu tư nâng cấp 56 tuyến đường, tổng chiều dài 135,2/200km (đạt tỷ lệ 67,6% so nghị quyết)”. Đến nay, hệ thống GT trên địa bàn huyện Châu Phú có sự chuyển biến rõ nét, thuận lợi cho việc đi lại, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Người dân góp sức nâng cấp lộ giao thông
Cùng với việc phát triển hạ tầng GT, suốt hơn nửa nhiệm kỳ qua, Châu Phú còn quan tâm việc sắp xếp kêu gọi đầu tư, xây dựng hệ thống chợ trên địa bàn, nhằm bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy nổ. Huyện Châu Phú hiện có 20 chợ, trong đó có 8 chợ được nâng cấp chỉnh trang, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện tốt văn minh thương mại và được công nhận là chợ trật tự vệ sinh như: chợ bách hóa tổng hợp Cái Dầu, chợ Vịnh Tre, chợ Mỹ Đức, chợ Châu Phú, chợ Cây Dương, chợ Bình Chánh, chợ Long Châu… Bên cạnh việc nâng cấp, chỉnh trang các khu chợ có sẵn, việc xây dựng mới các chợ được chú trọng, 2 năm qua, Châu Phú đã kêu gọi đầu tư xây mới 4 chợ, 2 cửa hàng bán rau an toàn và 1 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”, tổng kinh phí trên 8,6 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng kiên cố nhà lồng chợ Đình Bình Mỹ, mở rộng chợ nông sản thực phẩm Bình Thủy, sửa chữa chợ Vịnh Tre (xã Vĩnh Thạnh Trung).
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Đến nay, việc sắp xếp các chợ theo đề án thương mại dịch vụ giai đoạn 2016- 2020 đạt khoảng 80%. Hoạt động của các chợ trên địa bàn huyện cơ bản đi vào nền nếp, đảm bảo nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của người dân. Vấn đề về văn minh thương mại được tiểu thương phát huy tích cực, nhận thức của người dân trong việc chuyển sang sử dụng các sản phẩm an toàn, chất lượng được nâng lên. Đối với các chợ chưa phải là chợ trật tự vệ sinh, khi tiến hành nâng cấp, chỉnh trang và cải thiện điều kiện cơ sở vật chất chúng tôi sẽ áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật để chợ đảm bảo trật tự vệ sinh”.
MỸ LINH