Phát triển kinh tế từ cây ăn trái

28/09/2022 - 07:25

 - Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Hướng đi này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Đơn cử như nông dân Trần Chinh (xã Bình Chánh, huyện Châu Phú), từng chỉ trồng độc canh cây lúa, nay mạnh dạn chuyển đổi sang cây ăn trái, giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn.

Sau khi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, năm 2016, anh Chinh quyết định đầu tư, cải tạo 1ha đất lúa kém hiệu quả, lên liếp trồng sầu riêng, áp dụng hệ thống tưới phun tự động cho toàn bộ khu vườn. Sau 5 năm chăm sóc, vườn sầu riêng của gia đình anh Chinh cho trái vụ đầu tiên, hiệu quả mang lại rất phấn khởi. Trên 1ha đất, anh thu hoạch hơn 20 tấn trái/năm, bán cho thương lái giá 70.000 đồng/kg. Doanh thu đạt khoảng 1,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư lên đất vườn, cây giống, hệ thống tưới phun tự động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, anh Chinh đã lấy lại vốn ngay vụ thu hoạch đầu tiên. “Từ năm thứ 6 trở về sau, chi phí đầu tư vào cây sầu riêng thấp hơn, năng suất trái nhiều hơn, lúc đó tôi thu lợi nhuận cao hơn” - anh Chinh chia sẻ.

Vườn sầu riêng của nông dân huyện Châu Phú

Tại xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới) có diện tích đất canh tác nông nghiệp 1.221ha (cây ăn trái 1.180ha, rau màu 41ha). Trong đó, diện tích xoài 1.152ha, chiếm 97,62 % diện tích cây ăn trái. Hàng năm, sản lượng xoài các loại đạt trên 20.000 tấn trái. Cùng với tiêu thụ nội địa thông qua 23 vựa xoài lớn và hàng trăm thương lái tại các chợ đầu mối ở các tỉnh Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội... hầu hết trái xoài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được thương lái thu mua xuất sang Trung Quốc và một số nước. Xã Bình Phước Xuân hiện có tổng diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 219ha, đã được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu xoài sang thị trường các nước, như: Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc…

Từ năm 2018 đến nay, xoài VietGAP đã liên kết tiêu thụ được 5,4 tấn xuất đi Úc, 59 tấn xuất đi Hàn Quốc. Đầu năm 2022, Hợp tác xã (HTX) GAP cù lao Giêng liên kết với Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) xuất khẩu được 39 tấn xoài. Đầu tháng 5/2022, tiếp tục xuất khẩu đi Hoa Kỳ được 1,5 tấn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trồng xoài ở địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký Quyết định 3302/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của tỉnh là sẽ chuyển đổi diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái phù hợp và xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với quy mô 10.217ha, gồm: Xoài, chuối cấy mô, sầu riêng, nhãn và cây có múi... Đồng thời, cấp mới 225 mã số vùng trồng cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái với diện tích 4.079ha; chứng nhận diện tích cây ăn trái trong vùng chuyên canh thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 2.214ha, GlobalGAP 430ha và đủ điều kiện an toàn thực phẩm 2.080ha.

Tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, tổ hợp tác (THT) trong vùng chuyên canh tập trung. Toàn tỉnh thành lập ít nhất 6 HTX, 16 THT sản xuất cây ăn trái và nâng cao năng lực của HTX, THT đáp ứng yêu cầu về tổ chức sản xuất, liên kết thị trường; tăng cường ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất, áp dụng nhật ký canh tác điện tử, truy xuất nguồn gốc điện tử gắn với số hóa vùng trồng. Tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào chế biến, bảo quản trái cây thông qua việc thúc đẩy, hình thành các dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thu hút dự án liên kết gắn với đầu tư xây dựng nhà máy xử lý, chế biến trái cây trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đến năm 2025, An Giang phấn đấu xây dựng thành công ít nhất 6 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm xoài, chuối cấy mô, sầu riêng, nhãn và cây có múi trong vùng chuyên canh, giúp thu nhập của người dân tham gia dự án liên kết tăng ít nhất 10%. Hỗ trợ sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “An Giang” cho 20 HTX, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh các sản phẩm trái cây chủ lực của tỉnh, quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Thúc đẩy xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, New Zealand...

Có thể nói, phát triển cây ăn trái là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông dân tăng thu nhập.

TRỌNG TÍN