Phát triển mô hình nông lâm nghiệp kết hợp cho vùng Bảy Núi

30/01/2023 - 06:44

 - TS Võ Thái Dân (Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh) vừa thực hiện nghiên cứu thành công đề tài “Xây dựng và phát triển mô hình nông lâm nghiệp kết hợp cho vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang”. Mục tiêu nhằm đánh giá được hiện trạng các mô hình nông lâm kết hợp trên cơ sở đánh giá tính thích nghi đất đai để xây dựng và phát triển có hiệu quả các mô hình nông lâm kết hợp, nâng cao sinh kế cho người dân vùng Bảy Núi.

Sau 48 tháng thực hiện (từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2022), đề tài đạt được một số kết quả sau: Điều tra, khảo sát, đánh giá đặc điểm nhân khẩu, đặc điểm canh tác, hiện trạng canh tác nông lâm nghiệp tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; khảo sát xác định được 9 mô hình nông lâm kết hợp hiện hữu trong khu vực Bảy Núi; xây dựng 8 mô hình nông lâm kết hợp, trong đó có 4 vườn cải tạo (2 tại huyện Tri Tôn và 2 tại huyện Tịnh Biên), mỗi mô hình 1.000m2; 4 vườn trồng mới  (2 tại Tri Tôn và 2 tại huyện Tịnh Biên), mỗi vườn 3.000m2.

Đã đề xuất giải pháp phát huy hiệu quả các mô hình, bao gồm: Phát triển giao thông, thúc đẩy liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, chọn lựa đối tượng cây trồng có lợi thế cạnh tranh và xây dựng hệ thống tưới. Đồng thời, đánh giá tác động của mô hình vườn rừng lên sinh kế người dân; đánh giá khả năng thích ứng của người dân trong việc áp dụng mô hình vườn rừng. Đề xuất 3 nhóm giải pháp tăng sinh kế cho người dân, gồm: Tiếp cận vốn ngân hàng, tăng nguồn sinh kế, tạo việc làm và phát triển các ngành dịch vụ phụ trợ.

Mô hình vườn cây rừng xây dựng mới tại hộ dân xã Lê Trì (huyện Tri Tôn)

Bên cạnh đó, xây dựng kỹ thuật canh tác của các loại cây trồng trong mô hình. Đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho 10 cán bộ kỹ thuật; tổ chức 2 lớp tập huấn về các mô hình nông lâm kết hợp cho 50 hộ dân của huyện Tịnh Biên và Tri Tôn; 1 hội thảo khoa học để công bố kết quả nghiên cứu với 70 người tham dự.

Sau khi nghiệm thu chính thức, dự kiến sẽ chuyển giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên và các tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tiếp nhận và sử dụng.

Theo TS Võ Thái Dân (chủ nhiệm đề tài), nông lâm kết hợp là một hệ thống quản lý tài nguyên thiên nhiên năng động, lấy yếu tố sinh thái làm chính. Qua đó, các cây được phối hợp trồng trên trang trại và dựa vào hệ sinh thái nông nghiệp để sản xuất bền vững và đa dạng, làm gia tăng các lợi ích kinh tế, xã hội và sinh thái cho người canh tác ở các mức độ và quy mô khác nhau.

Về hiệu quả tài chính của các mô hình nông lâm kết hợp tại khu vực khảo sát, nếu xét riêng cho năm 2018 - 2019 cho thấy, những mô hình liên quan tới cây trồng dài ngày (cây lâm nghiệp và cây ăn quả) cho lợi nhuận cao và tỷ suất lãi lớn hơn so với các mô hình kết hợp nhiều loại cây khác nhau.

Tại địa phương, cây chúc và các cây dược liệu như nghệ đen, đinh lăng được xem là những loại cây phù hợp với điều kiện của vùng, nên được đưa vào các mô hình nông lâm kết hợp nhằm tăng thu nhập cho nông hộ. Tìm ra mô hình sản xuất nông lâm kết hợp đảm bảo hài hòa giữa cây rừng và cây nông nghiệp để đảm bảo đời sống của người dân, đồng thời bảo vệ tài nguyên và nguồn đa dạng sinh học. Xây dựng đường giao thông thuận lợi nhằm thúc đẩy buôn bán nông sản thu hoạch từ các mô hình nông lâm kết hợp, góp phần tăng thu nhập cho các nông hộ canh tác theo mô hình.

Qua nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài đề xuất các giải pháp phát triển mô hình nông lâm kết hợp tại mỗi dạng sinh thái của vùng Bảy Núi, như: Chỉ phát triển mô hình nông lâm kết hợp ở dạng địa hình núi trung bình và thấp, nơi có rừng thứ sinh phân bố và các loài cây trồng (lấy gỗ, ăn quả) đã qua giai đoạn thử nghiệm. Ưu tiên cải thiện các mô hình nông lâm kết hợp ở địa hình núi thấp với loại hình rừng trồng là chính, có thể cải tạo bằng cách thay đổi cơ cấu cây trồng ở địa hình trung bình với cây rừng tự nhiên xen lẫn hay cây trồng đã qua vài chu kỳ sản xuất - kinh doanh.

Đối với dạng sinh thái núi trung bình và rừng tự nhiên, giữ nguyên hiện trạng rừng tự nhiên để làm nguồn nước và hạn chế xói mòn đất cho phía dưới, có thể cải tạo một số mô hình nông lâm kết hợp với cây lâm nghiệp là chính. Đây là dạng sinh thái tương đối nhạy cảm với các chức năng phòng hộ nguồn nước và hạn chế xói mòn, do đó giữ nguyên hiện trạng rừng tự nhiên với đa dạng loài để bảo vệ sinh cảnh hơn là để khai thác tài nguyên gỗ.

Mặt khác, do cấu tạo địa hình và đất đai với độ dốc cao và dinh dưỡng đất thấp, nên bảo tồn tài nguyên rừng, trồng rừng với loài cây bản địa sẽ là ưu tiên chính. Bên cạnh, thực hiện cải tạo mô hình nông lâm kết hợp trên diện tích rừng đã có mô hình bằng cây dài ngày (cây lâm nghiệp hay cây ăn quả) trong diện tích giới hạn và cho phép về địa hình, nguồn nước.

Đối với dạng sinh thái núi thấp và đồi với rừng trồng xen kẽ, cải tạo các mô hình nông lâm kết hợp ở địa hình núi thấp có cây rừng tự nhiên phân bố thành đám hay rừng trồng đã thành rừng. Đề xuất xây dựng mới mô hình kiểu “vườn rừng” ở khu vực đất giao khoán thuộc thị trấn Ba Chúc với nhiều loài cây khác nhau mà cây trồng chính là cây ăn quả, dược liệu và rau màu.

Đối với dạng sinh thái đồi núi thấp và rừng trồng là chính, những đổi mới trong mô hình nông lâm kết hợp ở dạng sinh thái này có thể gồm: Thay đổi cây trồng mới nhằm vào đối tượng cây ăn trái, thay đổi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng gồm cây thân gỗ trồng xen, cây thân thảo trồng theo đám, bón phân cho cây dược liệu (nếu có).

HẠNH CHÂU