
Cá bông lau được đưa về các chợ
Đặc sản quý hiếm
Cá bông lau thuộc họ cá da trơn (Pangasius krempfi), có hình dạng khá giống cá tra, nhưng thân hình thon dài hơn, lớp da trơn mịn, thịt trắng, thơm ngon và ít xương dăm. Trong tự nhiên, cá bông lau sinh sống chủ yếu ở các đoạn sông lớn (sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao). Chúng xuất hiện nhiều sau Tết Nguyên đán hàng năm. Thịt cá bông lau giờ đã trở thành món ăn cao cấp, được thực khách ưa chuộng trong nhà hàng, quán ăn đặc sản, phổ biến là canh chua cơm mẻ, cá bông lau nướng than hoa hoặc chiên với muối sả ớt...
Giá trị kinh tế của cá bông lau rất cao, hiện dao động từ 250.000 - 350.000 đồng/kg (cá thiên nhiên), gấp nhiều lần so với cá tra hoặc cá basa. Tuy nhiên, nguồn cung cá bông lau thiên nhiên ngày càng giảm mạnh, do đánh bắt quá mức và biến đổi môi trường sống. Chính vì thế, việc nghiên cứu nhân giống, thả nuôi cá bông lau, cá dáo, cá dứa trong điều kiện nhân tạo là một hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế gắn với bảo tồn nguồn lợi thủy sản quý.
Tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (Viện Nuôi trồng Thủy sản II), các nhà khoa học đã nghiên cứu, cho cá bông lau sinh sản nhân tạo. Thành công này mở ra triển vọng rất lớn, bởi ngành thủy sản không còn phụ thuộc vào lượng cá giống thiên nhiên. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, cá bông lau có thể nuôi được trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau (lồng bè hoặc trong ao đất), khi người nuôi tuân thủ đúng kỹ thuật.
Cá bông lau có tốc độ tăng trưởng khá, từ khi thả giống đến khi đạt trọng lượng 1 - 1,5kg thường mất khoảng 10 - 12 tháng. Cá phù hợp với môi trường nước có dòng chảy nhẹ, nhiệt độ dao động từ 25 - 30 độ C, độ pH trung tính và oxy hòa tan trên 3,5 mg/lít. Đặc biệt, cá ít bệnh, tỷ lệ sống cao khi được chăm sóc tốt.
Ông Huỳnh Văn Tuấn (ngư dân huyện Châu Thành) cho biết, năm vừa rồi, ông thử nuôi 1.000 con cá bông lau, cá dáo, cá dứa. Sau 1 năm, ông thu hoạch được gần 1 tấn cá thương phẩm, thương lái đến tận bè để mua. “Bình quân giá con giống khoảng 20.000 đồng/con, nhưng chất lượng không đồng đều. Nếu các viện, trường hỗ trợ về kỹ thuật ương giống, đảm bảo nguồn con giống chất lượng thì việc thả nuôi các loài cá trên sẽ là hướng làm giàu mới, giúp ngư dân phát triển rất tốt” - ông Tuấn chia sẻ.
Chiến lược phát triển
Thực tế cho thấy, dù tiềm năng thả nuôi các loài cá này rất lớn, nhưng việc phát triển vẫn đang gặp một số khó khăn, trước hết là vấn đề con giống. Hiện, chưa có nhiều đơn vị cung cấp giống cá này ra thị trường, nếu có thì giá rất cao. Thêm vào đó, tập tính sinh học của cá bông lau còn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhất là đặc điểm về khả năng thích nghi môi trường, chế độ dinh dưỡng phù hợp, quy trình phòng bệnh trong môi trường nuôi thâm canh. “Ngư dân thiếu quy trình kỹ thuật nuôi chuẩn, chúng tôi phải tự mày mò, dẫn đến rủi ro cao khi mở rộng quy mô, diện tích...” - bà Trần Thị Lài (ngư dân xã Long Sơn, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Đầu ra của loài cá này chưa thật sự ổn định, dù nhu cầu tiêu dùng trong nước cao. Cá bông lau chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi sống hoặc sơ chế thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu. Muốn phát triển hiệu quả cá bông lau nói riêng, các loại cá đặc sản nói chung, ngành thủy sản cần có chiến lược bài bản, từ khâu nghiên cứu, sản xuất giống đến tổ chức vùng nuôi, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường.
Muốn vậy, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho các cơ sở nghiên cứu thủy sản, hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo, đảm bảo cung ứng đủ giống cá chất lượng với giá hợp lý cho ngư dân. Cần có chính sách hỗ trợ ngư dân trong việc chuyển đổi mô hình nuôi, tập huấn kỹ thuật và tiếp cận vốn ưu đãi. Trong xu thế phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp giá trị cao, việc phát triển nuôi cá đặc sản là hướng đi tiềm năng, phù hợp điều kiện tự nhiên của nhiều địa phương ĐBSCL. Trước hết, cần sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.
MINH HIỂN