Phát triển nghề nuôi cá lồng bè

02/10/2018 - 07:53

 - Từ lâu, người dân sinh sống khu vực ven sông trên địa bàn tỉnh đã biết khai thác và sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng bè, tạo thêm nguồn thủy sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hệ thống giao thông đường thủy phát triển, thuận tiện cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, thủy sản, người dân có kinh nghiệm lâu năm... là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của ngành chức năng, giai đoạn 2008 - 2016, tổng số lượng lồng bè và thể tích nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh tăng từ 2.294 lồng bè, với thể tích là 290.891m3 (năm 2008) lên đến 5.244 lồng bè, với thể tích 966.689m3 (năm 2016). Nghề nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh phát triển phong phú và đa dạng, tập trung nhiều ở các địa phương, như: Chợ Mới, TP. Long Xuyên, An Phú, Châu Thành, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc… chủ yếu nuôi các loại cá, như: cá basa, cá điêu hồng, cá rô phi, cá chim trắng, cá hú, cá he, cá lóc bông…

Bè cá điêu hồng của anh Nguyễn Thanh Trường đang phát triển tốt

Bè cá điêu hồng của anh Nguyễn Thanh Trường đang phát triển tốt

Anh Nguyễn Thanh Trường sở hữu 6 bè nuôi cá điêu hồng ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) cho biết, sau khi tìm hiểu và học hỏi những người nuôi trước, năm 2009 anh bắt đầu nuôi thử 1 bè cá điêu hồng, thấy hiệu quả kinh tế cao nên anh Trường mạnh dạn đầu tư thêm 5 bè nuôi mới. Trung bình mỗi năm, anh Trường thả cá để nuôi xoay vòng khoảng 12 bè cá. Sau khi trừ chi phí, nguồn lợi mang lại từ nghề nuôi cá lồng bè giúp gia đình anh Trường có cuộc sống khấm khá hơn trước. “Cá điêu hồng nuôi bằng thức ăn công nghiệp khoảng 5-6 tháng có thể thu hoạch, mỗi con đạt trọng lượng từ 600 - 900gr. Cá điêu hồng được thị trường ưa chuộng và có sức tiêu thụ mạnh ở các siêu thị, chợ lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh, thậm chí còn xuất khẩu sang Campuchia. Hiện tại, thương lái tìm đến bè mua với giá 40.000 đồng/kg, với mức giá này tôi lời khoảng 10.000 đồng/kg” - anh Trường chia sẻ. Theo anh Trường, nuôi cá trong lồng bè, công tác chăm sóc, quản lý tốt hơn nên tỷ lệ sống cao hơn, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, chất lượng thịt cá nuôi lồng bè thơm ngon, săn chắc, giá bán cao hơn. Để nuôi cá đạt hiệu quả cao, người nuôi phải chọn con giống chất lượng tốt và thả nuôi với mật độ phù hợp, bố trí hợp lý thời vụ để thu hoạch bán được giá cao cũng như có chế độ chăm sóc phù hợp để cá tăng trọng nhanh, chất lượng… Ngoài ra, người nuôi cần phải tìm hiểu và biết các bệnh hay xuất hiện ở mỗi loại cá khác nhau. Chẳng hạn cá điêu hồng thường bị lồi mắt, thối mang, còn cá trắm cỏ thường bị nấm thủy mi, đốm đỏ, một số loại cá khác thường nhiễm bệnh trắng da khoang thân… từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã phối hợp ngành chức năng và các địa phương nghiên cứu, lai tạo, phát triển, nâng cao chất lượng con giống cá tra, basa và một số đối tượng thủy sản có giá trị khác như: cá chạch lấu, cá leo, cá heo... Lập quy hoạch, quan trắc cảnh báo, đánh giá môi trường vùng nuôi… Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân nuôi cá lồng bè hướng đến áp dụng công nghệ cao theo các quy trình, tiêu chuẩn quốc tế công nhận, như: VietGAP, ASC, GlobalGAP… Các hoạt động này nhằm góp phần phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh theo định hướng thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ theo hướng hiện đại, tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

TRỌNG TÍN