Sản xuất nông nghiệp ở huyện Châu Phú tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng
Năm 2024, ước giá trị sản xuất đất nông nghiệp của huyện Châu Phú là 217,2 triệu đồng/ha (đạt 100,6% kế hoạch), tăng 1,6 triệu đồng/ha so năm 2023. Diện tích gieo trồng 87.856ha (đạt 100,2% kế hoạch), ước sản lượng lương thực đạt 542.057 tấn, năng suất lúa bình quân 6,58 tấn/ha. Diện tích cây ăn trái toàn huyện hiện có trên 2.474ha, tăng 357,5ha so cùng kỳ. Trên địa bàn huyện có 30 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, với 792 thành viên và 44 tổ hợp tác (THT), với tổng số 405 thành viên tham gia. Toàn huyện đã được cấp 29 mã số vùng trồng, với tổng diện tích trên 961ha. Trong đó, có 23 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, diện tích hơn 800ha và 6 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa, với diện tích hơn 161ha.
Năm 2025, huyện Châu Phú đề ra mục tiêu nâng giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 217,8 triệu đồng/ha (tăng 0,6 triệu đồng/ha so năm 2024); diện tích gieo trồng cả năm đạt 87.938ha (trong đó diện tích lúa 82.123ha, diện tích màu 5.815ha); ước tổng sản lượng lương thực đạt 532.751 tấn. Phấn đấu đến cuối năm, diện tích trồng cây ăn trái đạt 2.570ha; tiếp tục phát triển các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, như: Sầu riêng xã Bình Chánh, nhãn xuồng Khánh Hòa, nhãn Mỹ Đức; thành lập mới 3 HTX nông nghiệp ở các xã: Bình Mỹ, Mỹ Phú và Ô Long Vĩ. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện sẽ phối hợp các đơn vị liên quan mở lớp cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp cấp huyện và cấp xã để hỗ trợ nông dân tốt hơn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Văn Tính cho biết: “Để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp huyện sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh tập huấn, khuyến nông, đào tạo nghề cho nông dân; xây dựng các mô hình trình diễn để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, giúp tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời, sử dụng giống xác nhận, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; tuyên truyền người dân tham gia tổ liên kết sản xuất, chuỗi liên kết sản xuất và các HTX… để đảm bảo quyền lợi, nhất là tham gia vào Dự án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL trên địa bàn huyện”.
Trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân, ngành nông nghiệp huyện và các đơn vị liên quan chú trọng tuyên truyền giữa nông dân với nông dân thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ nông dân, HTX, THT, nhằm thay đổi tư duy của người dân về phương thức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo hướng bền vững. Tăng cường vận động nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, như: Sử dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới phun tự động, sử dụng giống lai F1, giống nuôi cấy mô, áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách). Đồng thời, sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ sinh học, vi sinh, đảm bảo thời gian cách ly và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, như: Nuôi gia cầm trên đệm lót lên men, nuôi trong hệ thống chuồng kín và phát triển các sản phẩm sạch. Tiếp tục nhân rộng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lươn thuộc mô hình nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thạnh Mỹ Tây; xây dựng kế hoạch kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp các ngành liên quan củng cố, nâng cao năng lực quản lý điều hành của các THT, HTX còn yếu, nâng chất các THT, HTX thông qua công tác đánh giá hoạt động của HTX theo bộ tiêu chí từ thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tăng cường vận động nông dân tham gia vào HTX, THT sản xuất, để liên kết sản xuất, mở rộng dịch vụ và ký kết hợp đồng với công ty. Chú trọng công tác tập huấn nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho hội đồng quản trị, ban giám đốc, bộ phận tài chính của HTX và ban quản lý, kế toán của THT, nhằm đảm bảo năng lực quản lý điều hành của HTX, THT. Từ đó, phát huy khả năng kết nối với các công ty, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau màu, cánh đồng lớn…
MỸ LINH