Nâng sản phẩm đạt chuẩn OCOP
Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP, UBND huyện Tịnh Biên ban hành Kế hoạch 59/KH-UBND về phát triển mỗi xã 1 sản phẩm giai đoạn 2020-2025, xác định mục tiêu và xây dựng giải pháp thực hiện. Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Để chương trình đạt hiệu quả cao, UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, tập trung truyền thông về mục tiêu, ý nghĩa và nguyên tắc thực hiện Chương trình OCOP trên cơ quan báo chí, nhằm tạo sức hút và tiền đề cho sản phẩm OCOP cùng các sản phẩm tiềm năng khác của địa phương phát triển”.
Đồng thời, UBND huyện tập huấn cho lãnh đạo, chuyên viên và cán bộ phụ trách OCOP trên địa bàn huyện, nâng cao năng lực trong triển khai thực hiện chương trình, nhất là công tác đánh giá sản phẩm và hướng dẫn chuẩn hóa hồ sơ cho chủ thể, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP và những định hướng mới trong giai đoạn 2021-2025.
Sản phẩm OCOP của huyện tại Hội chợ thương mại quốc tế Tịnh Biên năm 2022
Về hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP của huyện Tịnh Biên đã có mặt tại Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 và Hội chợ thương mại quốc tế Tịnh Biên năm 2022. Bên cạnh đó, UBND huyện in ấn tờ rơi, banner giới thiệu về sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tại hội chợ, thực hiện giỏ quà OCOP của địa phương tại sự kiện xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh.
Hiện nay, huyện Tịnh Biên đang thực hiện mục tiêu xây dựng 40 sản phẩm đặc thù địa phương phục vụ du lịch, trong đó có 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Qua rà soát, huyện có 62 loại mặt hàng, 176 sản phẩm tiềm năng của 131 chủ thể, thuộc 6 ngành theo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Lũy kế đến nay, Tịnh Biên có 13 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thuộc 5 chủ thể, xếp thứ 3 toàn tỉnh sau TP. Long Xuyên và huyện Châu Phú. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt 4 sao và 7 sản phẩm đạt 3 sao.
“Hiện tại, sản phẩm OCOP của Tịnh Biên (đường thốt nốt Ngọc Trang, rượu cà na, cà na muối, mật ong, nước khoáng SM…) đã được phân phối tại cửa hàng của Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm (Antesco), sân bay, điểm bán hàng tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Cần Thơ. Đặc biệt, sản phẩm OCOP của huyện ngày càng được người dân và du khách đón nhận, tạo hiệu ứng tích cực trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giúp chủ thể tăng sản lượng sản xuất và doanh thu” - ông Nguyễn Thanh Hùng cho hay.
Nâng cao hiệu quả
Từ những kết quả đạt được, UBND huyện Tịnh Biên đề ra kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP trong thời gian tới, tập trung vào từng nhóm sản phẩm cụ thể. “Với nhóm sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP, UBND huyện kiểm tra, duy trì chất lượng sản phẩm đảm bảo giữ vững tiêu chí chứng nhận OCOP. Đồng thời, phối hợp UBND xã, thị trấn hỗ trợ chủ thể nâng chất sản phẩm để chuẩn bị cho công tác tổ chức, đánh giá lại 7 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP trong năm 2020.
Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm vào hệ thống lưu thông, phân phối trên cả nước, nhất là sàn thương mại điện tử. Hướng dẫn chủ thể tìm phương án phát triển, nâng cấp chất lượng sản phẩm, phấn đấu nâng hạng cho sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao, hướng tới mục tiêu xuất khẩu” - ông Nguyễn Thanh Hùng cho hay.
Đối với nhóm sản phẩm đặc thù địa phương, ngành nông nghiệp huyện sẽ phối hợp UBND xã, thị trấn tiếp tục rà soát, xây dựng và hỗ trợ chủ thể hoàn thiện thủ tục pháp lý, đổi mới bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ, định hướng quy trình tham gia đánh giá phân hạng OCOP cho các sản phẩm này trên cơ sở điểm mạnh, điểm yếu của từng sản phẩm, để có kế hoạch phát triển phù hợp.
Riêng nhóm sản phẩm tiềm năng, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP, phổ biến rộng rãi trên phương tiện truyền thông. Đồng thời, phân công đơn vị phụ trách, như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường… phối hợp, hỗ trợ chủ thể về thủ tục, hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng OCOP. Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực quản lý, triển khai thực hiện cho cán bộ phụ trách OCOP huyện, xã và tăng khả năng chủ động tiếp cận chương trình của các chủ thể.
“Để Chương trình OCOP tại huyện Tịnh Biên tiếp tục đạt hiệu quả cao, chúng tôi sẽ đẩy mạnh sử dụng ứng dụng quản lý sản phẩm OCOP cấp huyện cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo OCOP, đảm bảo công tác đánh giá được thực hiện toàn bộ bằng công nghệ thông tin, dễ tra cứu và tiện lợi hơn. Ngoài ra, đề nghị tỉnh mở lớp tập huấn, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm, thiết kế và sử dụng website cho cán bộ cấp huyện, xã nhằm nâng cao năng lực triển khai Chương trình OCOP tại địa phương” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng xác định.
THANH TIẾN