Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030

13/06/2022 - 06:29

 - Để khoa học và công nghệ (KH&CN) thực sự có vai trò thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, ứng dụng công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh, ngày 14/4/2022, UBND tỉnh có Quyết định 732/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch phát triển thị trường KH&CN tỉnh An Giang đến năm 2030.

Cụ thể, đến năm 2025, hỗ trợ thương mại hóa ít nhất 15% kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; xây dựng 1 không gian trưng bày, trình diễn, cung cấp thông tin công nghệ và tổ chức các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ; điều tra, khảo sát, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất, tốc độ đổi mới công nghệ, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực: Chế biến nông sản (bao gồm xay xát lúa gạo, chế biến lúa gạo, các sản phẩm sau gạo và chế biến bảo quản rau quả), chế biến thủy sản (chế biến cá tra, tôm…) và cơ khí chế tạo máy (gồm cơ khí nông nghiệp và cơ khí thủy sản); hình thành cơ sở dữ liệu về nguồn cung và cầu công nghệ. Qua đó, xác định nhu cầu và tiềm lực của DN trong việc tiếp nhận chuyển giao các tiến bộ KH&CN để nâng cao trình độ công nghệ của bản thân DN.

Hỗ trợ ít nhất 10 DN thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển, Quỹ phát triển KH&CN; có ít nhất 10 DN thực hiện các dự án ứng dụng, đổi mới công nghệ từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh. Phát triển 1 tổ chức trung gian hiện có trên địa bàn tỉnh An Giang và hình thành 3 tổ chức trung gian thuộc các lĩnh vực chủ lực thuộc cơ giới nông nghiệp, giống cây trồng, chế biến thực phẩm kết nối vào tổ chức trung gian của tỉnh. Hỗ trợ ít nhất 5 DN được chứng nhận là DN KH&CN; hỗ trợ thành lập được ít nhất 2 DN khởi nguồn từ các cơ sở nghiên cứu, cơ sở ươm tạo, giáo dục đủ điều kiện trở thành DN KH&CN.

Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi

 Đến năm 2030, hỗ trợ thương mại hóa ít nhất 30% kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; duy trì và phát triển hoạt động không gian trưng bày, trình diễn, cung cấp thông tin công nghệ và tổ chức các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ; báo cáo đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của DN giai đoạn năm 2022-2025 thuộc lĩnh vực sản xuất chủ lực của tỉnh. Số hóa cơ sở dữ liệu về nguồn cung và cầu công nghệ trên địa bàn tỉnh; duy trì và phát triển các bộ phận nghiên cứu và phát triển, cùng Quỹ phát triển KH&CN đã được thành lập.

Hỗ trợ ít nhất 20 DN trên địa bàn tỉnh An Giang thực hiện các dự án ứng dụng, đổi mới công nghệ từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh. Về phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, duy trì và phát triển 4 tổ chức trung gian hiện có trên địa bàn tỉnh và kết nối vào mạng lưới các tổ chức trung gian KH&CN quốc gia. Hỗ trợ ít nhất 10 DN trên địa bàn tỉnh được chứng nhận là DN KH&CN. Hỗ trợ thành lập ít nhất 5 DN khởi nguồn từ các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đủ điều kiện trở thành DN KH&CN.

Các giải pháp thực hiện để đạt được các mục tiêu trên, gồm: Rà soát các quy định pháp lý, chọn các định hướng phù hợp để hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của DN. Thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN; phát triển các tổ chức trung gian và tăng cường hoạt động của thị trường KH&CN. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường KH&CN. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đề ra các giải pháp khác nhằm phát triển DN KH&CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

H.C