Phát triển “vựa giống cá tra” vùng ĐBSCL

10/03/2022 - 05:54

 - Khi nghề nuôi phục hồi, nhu cầu con giống chất lượng càng đòi hỏi lớn hơn. Con giống cũng là khâu quan trọng trong cơ cấu giá thành nuôi cá tra. An Giang có tiềm năng phát triển thành “vựa giống cá tra” cho ĐBSCL nếu nguồn cung ổn định, liên kết đầu ra tốt, xây dựng được thương hiệu, uy tín.

Khu sản xuất cá tra giống của Tập đoàn Nam Việt

 

Khuynh hướng phát triển

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Xuất khẩu khó khăn, giá cá nguyên liệu thấp, nhiều hộ nuôi “treo ao” hoặc chuyển sang các đối tượng thủy sản khác. Tổng sản lượng cá tra năm 2021 đạt 420.000 tấn, giảm 14.000 tấn so năm 2020. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất giống vẫn duy trì tốt khi toàn tỉnh cung ứng 1,8 tỷ con giống cá tra, tăng 192 triệu con so năm 2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh An Giang hiện có 9 cơ sở sản xuất giống cá tra bột và 998 cơ sở ương dưỡng với diện tích 925ha, năng lực sản xuất khoảng 12 tỷ cá bột và 2-3 tỷ con giống/năm. Trong khi đó, tổng diện tích nuôi cá tra thương phẩm 1.235ha; lượng con giống sản xuất dư đáp ứng nhu cầu nuôi trong tỉnh, tham gia cung ứng cho những tỉnh có diện tích nuôi cá tra vùng ĐBSCL.

Ngày 20-3-2018, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 987/QĐ-BNN-TCTS về triển khai Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Việc chọn An Giang triển khai đề án là phù hợp bởi An Giang được biết đến là “cái nôi” của nghề nuôi cá tra, có ưu thế về nguồn nước sông Tiền, sông Hậu (tỉnh duy nhất ở ĐBSCL có 2 nhánh sông lớn của dòng Mekong cùng chảy song song), thổ nhưỡng phù hợp và có nhiều kinh nghiệm với nghề ương dưỡng giống cá tra.

Được Chính phủ và Bộ NN&PTNT tin tưởng chọn xây dựng thành trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao của vùng ĐBSCL, An Giang đã tích cực triển khai chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp. Đến nay, năng lực sản xuất và cung cấp của chuỗi liên kết khoảng 4,5-5 tỷ cá tra bột và khoảng 500-600 triệu cá tra giống. Kế hoạch giai đoạn 2022-2025, sẽ đăng ký nhận thêm 22.000 con cá tra hậu bị chọn giống. Đối với đàn cá tra bố mẹ, hậu bị chất lượng cao tiếp nhận từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II (Viện II) có 2.300 con, trong đó đang tham gia sinh sản với số lượng cá bột là 800 triệu con.

“Qua thực tế triển khai, chất lượng con giống được nhân từ đàn cá tra bố mẹ của Viện II có tỷ lệ sống khỏe, phát triển đồng đều, được nhiều người nuôi đánh giá cao. Vấn đề quan trọng là cần nghiên cứu quy trình sinh sản, ương dưỡng phù hợp với điều kiện tại An Giang để chuyển giao cho các cơ sở sản xuất, nhằm đảm bảo đạt hiệu quả, chất lượng trong sản xuất giống” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đánh giá.

An Giang có lợi thế về cá tra giống

Các doanh nghiệp vào cuộc

Sau khi triển khai Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, ngày 18-11-2020, Bộ NN&PTNT tiếp tục ban hành Quyết định 4667/QĐ-BNN-TCTS, phê duyệt Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung tỉnh An Giang, quy mô 350ha tại xã Mỹ Phú và Bình Phú (huyện Châu Phú). Theo Sở NN&PTNT, các đơn vị chức năng đang thiết kế bảo vệ thi công dự toán, dự kiến trong tháng 3-2022 sẽ trình thẩm định và phê duyệt để thực hiện các bước tiếp theo.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, cơ sở pháp lý cho 4 doanh nghiệp tham gia vào Đề án cá tra 3 cấp để tiếp tục xây dựng các vùng ương giống tập trung có tổng diện tích 452,3ha, năng lực sản xuất hàng năm hơn 1,8 tỷ con giống và 1,6 tỷ con cá hương

Đối với vùng ương giống tập trung của Công ty Cổ phần cá tra Việt Úc (cồn Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu), dự kiến sẽ bố trí sản xuất giống và cung cấp ra thị trường trong năm 2022 khoảng 50 triệu con giống. Trong khi đó, vùng ương giống tập trung của Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (xã Bình Phú, huyện Châu Phú) hiện hoàn thiện cơ sở vật chất khu sản xuất, ương dưỡng trong ao lót bạt và đã thực hiện sản xuất, ương dưỡng giống để tự cung cấp một phần con giống cho nhu cầu nuôi của công ty.

Đối với vùng ương giống tập trung của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (cồn Vĩnh Hòa), đang triển khai thi công cơ sở hạ tầng, dự kiến các công trình hoàn thành trong quý I-2022. Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1013/QĐ-UBND, ngày 14-5-2021 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án chọn lọc giống cá tra chất lượng cao Vĩnh Hoàn. Dự án đang trong giai đoạn thu dọn mặt bằng, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Đối với vùng ương giống tập trung của Công ty TNHH TMDV Lộc Kim Chi (huyện Châu Phú), hiện đã giải phóng mặt bằng, đang thực hiện thi công được 86/350ha, chủ yếu nuôi thương phẩm, sẽ triển khai nuôi giống khi đảm bảo diện tích...

Quyết tâm của tỉnh, sự ủng hộ của Bộ NN&PTNT cùng sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp là điều kiện quan trọng để xây dựng An Giang trở thành “vựa cá tra giống chất lượng cao” của vùng ĐBSCL.

Năm 2022, diện tích sản xuất giống của An Giang khoảng 1.000ha (cá tra giống và giống thủy sản khác), nếu nhu cầu giống tăng, người nuôi sẽ tăng vòng quay sản xuất từ 2 vụ lên 3-4 vụ/năm. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp. Trong đó, tập trung hỗ trợ các dự án công nghệ cao Nam Việt Bình Phú, Việt Úc, Vĩnh Hoàn... Các doanh nghiệp này khi sản xuất ổn định sẽ đảm bảo số lượng và chất lượng giống. Đồng thời, củng cố và xây dựng các chuỗi liên kết giống 3 cấp từ 2 chi hội AFA, nâng cấp lên thành hợp tác xã nhằm đảm bảo cung cấp giống chất lượng cao, ổn định.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN