Phó Thủ tướng Thường trực: Xuất siêu là điểm sáng của nền kinh tế nước ta

02/10/2020 - 18:54

Đây là phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2020, ngày 2-10.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Mặc dù bị tác động lớn của đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế nước ta vẫn giữ được tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá, điểm sáng của nền kinh tế nước ta là xuất siêu đạt cao, với hơn 16,9 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ xuất siêu 7,27 tỷ USD); xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 202,86 tỷ USD (tăng 4,2%); tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,7 tỷ USD (tăng 1,8%). Trong đó, tiêu dùng cho người dân cũng tăng. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế đất nước.

Đặc biệt, đầu tư công đang là đầu tàu tăng trưởng. Cụ thể là, 9 tháng đầu năm 2020, đầu tư khu vực nhà nước đạt 13,4%, trong khi đó đầu tư khu vực ngoài nhà nước đạt 2,8%, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 25%. Những con số này cho thấy sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ: Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế phát triển, cần tập trung vào các giải pháp toàn diện. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế đầu tư PPP theo luật mới (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư) để thu hút các nhà đầu tư tham gia, nhất là đối với các ngân hàng để có cơ chế chia sẻ rủi ro, bảo đảm hiệu quả. 

Vừa qua, chúng ta đồng loạt khởi công 3 dự án tuyến cao tốc Bắc-Nam từ hình thức đầu tư PPP sang hình thức đầu tư công theo Nghị quyết 117 của Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Việc xây dựng dự án trọng điểm quốc gia này góp phần quan trọng vào việc phát triển hạ tầng phục vụ cho nền kinh tế phát triển. Điều này cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Đồng thời, tạo điều kiện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch sang nước ta. Đây là cơ hội cho chúng ta trong việc tiếp thu có chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện nay.

Đối với các dự án lớn khác như Bến Lức - Long Thành, tháo gỡ khó khăn cho dự án thu phí không dừng… Cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ đối với các trạm thu phí…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc bằng việc sửa đổi các nghị định của Chính phủ để “tăng tốc” cổ phần hóa trong 3 tháng cuối năm 2020.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng cho rằng, cần đề xuất sửa đổi Luật số 71 của Quốc hội, trong đó, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm 5% đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu, qua đó giúp phân bón nhập khẩu có lợi thế về giá so với phân bón sản xuất trong nước. Có như vậy mới để tháo gỡ khó khăn cho ngành phân bón hiện đang khó khăn trong cạnh tranh với nước ngoài và mang lại lợi nhuận cho người nông dân.

Lý do chính là vì thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên mặt hàng phân bón không được khấu trừ thuế VAT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng trong sản xuất. Từ đó, chi phí sản xuất phân bón tăng lên, doanh nghiệp buộc phải tính phần thuế VAT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao. Không ít nông dân đã chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng cho rằng, cần làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để người dân bức xúc kéo về Trung ương để khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự, nhất là các địa phương như Hà Nội và TPHCM. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông phải được chú trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp các ngành để từng bước kéo giảm tai nạn giao thông…

Theo LÊ SƠN (Báo Chính Phủ)

 

Liên kết hữu ích