Phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu

18/07/2023 - 07:19

 - Sau khi dịch bệnh COVID-19 được đẩy lùi, đời sống kinh tế - xã hội phục hồi, kéo theo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cũng “rục rịch” trở lại. Tuy nhiên, ĐBSCL, trong đó có An Giang, luôn nỗ lực phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Bắt vụ vận chuyển 1,6 tấn đường không rõ nguồn gốc

Theo Bộ Công an, gần đây, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới, gian lận xuất xứ; lợi dụng thương mại điện tử, bán hàng online trên mạng xã hội để trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Đáng chú ý, có sự chuyển hướng của tội phạm buôn lậu từ phương thức truyền thống (qua đường mòn lối mở) sang lợi dụng pháp nhân thông qua cửa khẩu chính ngạch để hoạt động. Điển hình như, lực lượng chức năng triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia qua cửa khẩu tỉnh Tây Ninh về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ, thu giữ 103kg vàng, 2,8 triệu USD và gần 27 tỷ đồng.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải khẳng định, trong tình hình phức tạp chung của cả nước, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL đạt được những kết quả đáng ghi nhận về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch định kỳ, chuyên đề; chỉ đạo lực lượng chức năng trực thuộc xây dựng kế hoạch phù hợp với địa bàn, đơn vị mình để triển khai hiệu quả; chủ động phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả bắt giữ, xử lý vi phạm. Các lực lượng chức năng tăng cường biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, bắt giữ, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần ổn định thị trường, an ninh trật tự, quyền, lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quản lý.

Tại An Giang, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, triển khai đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tăng cường đấu tranh hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định: tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát khá tốt. Trước đây, các đối tượng vận chuyển thuốc lá, đường cát hoạt động “nhộn nhịp”. Nhưng hiện nay, trên các tuyến tỉnh lộ, hương lộ khắp tỉnh không còn tình trạng này nữa”.

Theo đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số vụ tội phạm về kinh tế do đơn vị bắt giữ giảm 36,1% so cùng kỳ năm 2022; đã khởi tố 16 vụ, 36 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 182 vụ, 199 đối tượng, số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Trên tuyến biên giới, tội phạm buôn lậu được kiểm soát chặt chẽ. Đại tá Trần Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Lực lượng biên phòng đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới mang lại hiệu quả rõ nét.

Đơn vị độc lập bắt, xử lý 67 vụ, liên quan 48 đối tượng, trị giá hàng hóa khoảng 1,4 tỷ đồng. Tang vật thu giữ ngoài các mặt hàng chủ yếu (vàng trang sức, tiền, đường cát, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, hàng hóa đã qua sử dụng…), còn có thuốc tân dược; xe đạp, xe đạp điện các loại; xe môtô… Bộ đội Biên phòng tỉnh là một trong 6 tập thể trong cả nước được Bộ Quốc phòng khen thưởng về thành tích này đợt 6 tháng đầu năm 2023”.

Cuối tháng 6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL về 4 nội dung, trong đó có lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đấu tranh mạnh với các loại tội phạm ma túy, buôn lậu qua biên giới, nhất là tình trạng phân bón giả và buôn lậu xăng dầu trên biển.

Thời gian tới, các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… là thách thức lớn đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đòi hỏi từng địa phương phải đổi mới, quyết liệt, hiệu quả hơn trong hành động, triển khai thực hiện.

“Tỉnh sẽ thường xuyên tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; triển khai giải pháp đấu tranh hiệu quả với đối tượng nổi cộm. Đặc biệt, duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác với các lực lượng cùng cấp của tỉnh Kandal, Takeo (Vương quốc Campuchia) trong đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động của tội phạm trên tuyến biên giới” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Năm 2022, toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản 2.027 vụ buôn lậu (giảm 1,6% so cùng kỳ năm 2021), liên quan 1.714 đối tượng. Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ trên 181 tỷ đồng; xử lý hình sự 41 vụ, 53 bị can; xử lý hành chính 1.325 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu 22,4 tỷ đồng. Các tháng đầu năm 2023, tỉnh tiếp tục kéo giảm 11,4% số vụ phát hiện, lập biên bản; tổng trị giá hàng hóa khoảng 17 tỷ đồng; xử lý hình sự 17 vụ, 13 bị can; xử lý hành chính 602 vụ, xử phạt tiền và bán hàng tịch thu 6,5 tỷ đồng.

GIA KHÁNH