Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh An Giang Lê Bích Phượng, các cấp hội quan tâm xây dựng người phụ nữ An Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Thi đua xây dựng phụ nữ An Giang có tri thức, đạo đức, sức khỏe, trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đã duy trì 426 tổ phụ nữ tiết kiệm theo gương Bác, với 6.932 thành viên, như: “Kho gạo tình thương”; “Tổ phụ nữ tiết kiệm tiền chợ” 2.000 đồng/ngày để gây quỹ học bổng; “Tổ phụ nữ nuôi heo đất”; “Hủ gạo tình thương”; “Tổ phụ nữ hùn vốn mua bảo hiểm y tế”... tiết kiệm hơn 1,56 tỷ đồng, 19.125kg gạo, giúp gần 2.320 hội viên, phụ nữ, người già neo đơn, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.
156/156 xã, phường, thị trấn duy trì các loại hình hoạt động, vận động phụ nữ rèn luyện sức khỏe. Toàn tỉnh hiện có 225 câu lạc bộ, tổ, nhóm, với 5.494 thành viên tham gia. Hội LHPN tỉnh tổ chức biểu dương 27 gương điển hình phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp; các cấp hội biểu dương 566 gương điển hình tiêu biểu...
Biểu dương gia đình trẻ tiêu biểu
Các địa phương đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, đến nay, 926 hộ/735 hộ đăng ký các tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Hội LHPN các cấp thực hiện hiệu quả các hoạt động vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em, như: Phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; bảo vệ an toàn cho phụ nữ, trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội… Thực hiện 156 phần việc thiết thực thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”.
Hội LHPN tỉnh thực hiện mô hình “Dân vận khéo” vận động nguồn lực thực hiện mô hình “Tổ phụ nữ hùn vốn xoay vòng mua bảo hiểm y tế” và hỗ trợ 900 bình lọc nước cho hộ dân chưa tiếp cận được nguồn nước uống an toàn tại 3 xã: Vĩnh An (huyện Châu Thành), Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới), Vĩnh Xương (TX. Tân Châu).
Đặc biệt, nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tiếp cận nguồn nước uống sạch, Hội LHPN tỉnh phối hợp Công ty Cổ phần Xúc tiến đầu tư và phát triển bền vững (SIPCO) phát 152.000 bình lọc nước miễn phí cho 152.000 hộ dân ở 11 huyện, thị xã, thành phố, tổng giá trị 270 tỷ đồng...
Hội LHPN cấp huyện thành lập mới 5 tổ phụ nữ thu gom, phân loại rác thải nhựa, cấp phát 50 sọt rác, 177 thùng rác phân loại rác thải nhựa... góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Nâng cao vai trò phụ nữ
156/156 cơ sở hội xây dựng kế hoạch đăng ký giúp phụ nữ nghèo và cận nghèo thoát nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều. Năm 2022, có 329 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, hỗ trợ thành lập mới 1 hợp tác xã “Rau sau hè” xã Hội An (huyện Chợ Mới), có 22 thành viên do chị Nguyễn Tường Vân làm giám đốc. Duy trì hoạt động 5 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý; hỗ trợ kiến thức, hỗ trợ vốn cho 141 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp số tiền trên 6,5 tỷ đồng.
Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua hội LHPN hơn 1.188 tỷ đồng, hơn 43.700 hộ còn dư nợ; có 961/961 Tổ tiết kiệm và vay vốn, số dư tiết kiệm 125,4 tỷ đồng, trên 44.200 khách hàng.
Ngoài ra, các cấp hội triển khai đa dạng các hình thức hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn tiếp cận các nguồn lực từ ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng… cho 445 hộ vay, dư nợ hơn 4 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn tiết kiệm xoay vòng, tiết kiệm chi, tổ hội, thành lập mới 217 tổ tiết kiệm; duy trì 194 tổ/3.035 thành viên.
Từ các nguồn tiết kiệm hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng cho 1.577 hội viên nghèo, khó khăn mua bán nhỏ, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Phối hợp tổ chức 76 lớp dạy nghề và giải quyết gần 1.800 lao động có việc làm ổn định.
Hội LHPN tỉnh An Giang và địa phương tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; giám sát phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Tổ chức diễn đàn đối thoại về “Chính sách, luật pháp liên quan đến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và lĩnh vực hôn nhân gia đình”, duy trì sinh hoạt “Ngày pháp luật”.
Hội LHPN cơ sở tổ chức 11 cuộc giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ đối với trẻ em; lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Đất đai; góp ý kiến trong các buổi tiếp xúc cử tri; nắm thông tin dư luận xã hội, phản biện các ý kiến sai lệch, trái với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Ở các địa bàn biên giới, Hội LHPN cấp xã duy trì mô hình “Tổ phụ nữ tham gia giữ gìn an ninh biên giới”, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm, nhằm bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới. Đến nay, mô hình duy trì 21 tổ đang hoạt động, với 324 thành viên tham gia.
CHÂU AN