Phú Tân: Động lực từ phong trào nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi

19/06/2024 - 06:38

 - Nằm ở vùng sâu của huyện Phú Tân (tỉnh An Giang), từ một nơi “khỉ ho, cò gáy”, xã Phú Long hôm nay đã vươn mình phát triển. Chỉ có thế mạnh là nông nghiệp, địa phương đã xây dựng phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi ngày càng lan tỏa. Lực lượng nông dân giỏi phát huy vai trò chủ thể trong các phong trào thi đua yêu nước, phát huy dân chủ, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi

Hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, ông Đặng Thành Nga (ngụ ấp Long Hậu) là một trong số nông dân tiên phong của xã. Trên diện tích 3.000m2, ông Nga trồng 200 gốc na Thái, sau 2 năm bắt đầu cho trái. Đây là loại cây trồng chịu được hạn nhưng không chịu úng, kháng sâu bệnh tốt hơn các giống na địa phương.

“Những ngày đầu khi đem cây na Thái về trồng, nhiều người nghĩ tôi sẽ thất bại, vì loại cây trồng này khó xử lý ra hoa và đậu trái. Giờ vườn na đã phát triển 5 năm, thu hoạch đều đặn mỗi năm 2 vụ, bình quân mỗi cây có thể cho trái khoảng 100kg/vụ, giá bán dao động 25.000 - 50.000 đồng/kg, mang lại thu nhập khá ổn định” - ông Nga chia sẻ.

Học hỏi kinh nghiệm trồng mai kiểng ở “xứ lụa” Tân Châu, anh Nguyễn Minh Hiếu đã lập nghiệp thành công ở quê nhà. Bốn năm qua, anh Hiếu bán được hơn 600 cây mai ra thị trường trong và ngoài tỉnh, mỗi cây có giá từ 1 - 7 triệu đồng. Từ thành công này, anh mở rộng diện tích vườn lên 5.000m2, trồng 1.500 cây mai từ 5 - 6 tháng tuổi.

Anh tâm đắc nhất khi theo nghề này là thu nhập ổn định và đỡ vất vả hơn so trồng lúa, nếp. Cây mai khoảng 1 năm tuổi đã có thể bán được, nếu không bán ngay mùa Tết vẫn có thể giữ lại năm sau, càng lâu thì cây mai càng tăng giá trị. Sau thời gian phát triển và truyền nghề, mô hình trồng mai kiểng được nhiều nông dân học hỏi, đã thành lập được tổ hợp tác trồng mai trên địa bàn xã.

Ở xã Phú Long, mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao đang thu hút nhiều hộ tham gia phải kể đến là nuôi dê. Từ những hộ có kinh nghiệm, Hội Nông dân đã thành lập tổ hợp tác, phát triển lên hợp tác xã. Sau nhiều năm nuôi không thành công, những nông dân tâm huyết đã tìm tòi học hỏi, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, cải tạo chuồng trại, nhất là chú trọng ngừa bệnh cho vật nuôi.

Hiện nay, hợp tác xã có 15 thành viên, tổng đàn nuôi 150 con dê sinh sản và 550 con dê thịt, nuôi theo hình thức xoay vòng xuất chuồng liên tục. Bình quân hàng tháng, các hộ xuất chuồng bán 250 con dê thịt, trọng lượng 35 - 40kg/con, giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, hộ nuôi có lợi nhuận trên 70 triệu đồng/tháng, đảm bảo thu nhập và đầu ra ổn định.

Là xã thuần nông, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Phú Long đóng góp trên 90% giá trị sản xuất trên toàn địa bàn, đạt 136 triệu đồng/ha/năm. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Long Trần Văn Tươi cho hay, địa phương được tỉnh, huyện đầu tư quy hoạch vùng trồng cây ăn trái với diện tích 30ha, kinh phí đầu tư 3,9 tỷ đồng; diện tích ứng dụng khoa học công nghệ, an toàn sinh học chiếm 60%; các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng…

Đến nay, toàn xã Phú Long vận động nông dân chuyển đổi cây ăn trái được 25,03ha. Trong đó, vùng quy hoạch thuộc ấp Long Hậu chuyển đổi 12,85ha đã chuyển đổi được 18ha, so giai đoạn 2019 - 2022 tăng 6,5ha. Kinh tế tập thể tiếp tục được nâng chất, làm đầu mối thực hiện các mô hình liên kết; các loại hình dịch vụ nông nghiệp phát triển; hạ tầng thủy lợi được đầu tư, gắn kết tốt với phát triển giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng…

Sản phẩm tiêu biểu từ các mô hình hiệu quả nông dân sản xuất - kinh giỏi xã Phú Long

Trong thành quả đó, các phong trào thi đua là động lực mạnh mẽ để xã vùng sâu có sự chuyển mình nhanh chóng. Điển hình là phong trào dân vận khéo; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, phong trào nông dân SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững thu hút đông đảo nông dân tham gia, xuất hiện những mô hình mới, cách thức làm ăn hiệu quả gắn với xây dựng các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Giai đoạn 2022 - 2024, toàn xã có có 1.499 lượt nông dân đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi (đạt 100%). Kết quả xét chọn có 1.319 nông dân đạt danh hiệu nông dân giỏi các cấp, chiếm tỷ lệ 88%, tăng hơn 10% so giai đoạn 2019 - 2022; tỷ lệ nữ nông dân giỏi chiếm 15%, đạt kế hoạch đề ra.

Không chỉ tích cực làm kinh tế, phong trào nông dân SXKD giỏi còn thúc đẩy hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều đóng góp thiết thực. Điển hình như Tổ cất nhà xã hội từ thiện xã Phú Long do nông dân thành lập, hàng năm vận động xây dựng trên 12 căn nhà Đại đoàn kết và sửa chữa nhà Tình thương cho người nghèo, tổng số tiền trên 420 triệu đồng.

Các hội viên còn vận động kinh phí để bảo quản, nâng cấp, sửa chữa nghĩa trang nhân dân, mua xe chuyển bệnh phục vụ người nghèo, dặm vá đường nông thôn… Từ năm 2022 đến nay, nông dân đóng góp thực hiện các công trình phần việc nông thôn mới trên 3 tỷ đồng và 342 ngày công; vận động hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế 503/503 người, đạt 100%...

Hội Nông dân xã Phú Long là đơn vị được tổ chức điểm Đại hội Nông dân SXKD giỏi của huyện Phú Tân, giai đoạn 2022 - 2024. Thời gian tới, Hội nông dân xã phấn đấu đưa phong trào phát triển theo chiều sâu, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày khởi sắc.

MỸ HẠNH