Phục hồi và phát triển thủy sản

07/01/2022 - 06:01

 - Đại dịch COVID-19 tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng chi phí thuê container vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản, trong đó có ngành hàng cá tra. Năm 2022 được xem là cơ hội để ngành thủy sản phục hồi, tăng tốc phát triển, khi trong nước và thế giới cơ bản kiểm soát, thích ứng với dịch bệnh COVID-19.

Duy trì thế mạnh thủy sản

Năm 2021 được xem là thời điểm rất khó khăn với ngành thủy sản An Giang. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản vẫn thu được kết quả tích cực. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, ước sản lượng thủy sản cả năm 2021 đạt 507.000 tấn (giảm 4.200 tấn so năm 2020), trong đó sản lượng nuôi trồng gần 492.000 tấn (giảm 3.900 tấn), thủy sản khai thác khoảng 14.800 tấn (giảm 324 tấn).

Kiểm tra việc khai thác thủy sản

Trong sản lượng cá thu hoạch (490.000 tấn, chiếm 99,55% sản lượng nuôi trồng nuôi trồng), cá tra đạt gần 409.000 tấn (giảm 5.000 tấn so năm 2020), chủ yếu giảm sản lượng của khu vực hộ cá thể (sản lượng đạt hơn 150.000 tấn, chiếm 35% tổng sản lượng cá tra, giảm 7.200 tấn). Trong khi đó, sản lượng thu hoạch thuộc vùng nuôi của DN đạt hơn 279.000 tấn (chiếm 65% tổng sản lượng cá tra, tăng 2.200 tấn).

Nhiều hộ chuyển từ cá tra sang nuôi các loại cá khác, số lượng và thể tích lồng, bè thu hoạch tăng khoảng 5%. Cá lóc, rô phi, điêu hồng, cá trê, chim trắng... đạt tổng sản lượng thu hoạch khoảng 89.000 tấn (tăng gần 8.000 tấn), còn cá có giá trị cao (như cá lăng, cá hô, cá ét, cá sát…) khoảng 440 tấn (tăng 15 tấn). Đối với các loại thủy sản khác (lươn, ếch, ba ba…), do nhu cầu thị trường tăng cao và giá bán ổn định, nên quy mô nuôi có xu hướng tăng. Ước tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng 2.300 tấn, tăng 13 tấn so với năm 2020.

Một thế mạnh của An Giang vẫn được duy trì là sản xuất giống cá tra. Ước diện tích giống thu hoạch năm 2021 khoảng 1.115ha, số lượng con giống trên 1,7 tỷ con, tăng 192 triệu con so năm 2020. Đối với chương trình giống cá tra 3 cấp, đã chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản cho 5 cơ sở tiếp nhận đàn cá bố mẹ. Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn được phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện dự án “Chọn lọc giống cá tra chất lượng cao”.

Trung tâm Giống thủy sản An Giang sản xuất và cung cấp cho thị trường được 192 triệu con cá tra bột, 473.581 cá tra giống; gần 5,7 triệu post tôm càng xanh toàn đực giống, gần 153 triệu ấu trùng tôm càng xanh; cá giống các loại được 118.900 con và 300kg. Với dịch vụ sản phẩm thủy sản tươi sống, trung tâm đã cung ứng hơn 373 tấn thủy sản các loại, gồm: 2.989kg cá lóc tươi sống, 4.466kg cá điêu hồng, hơn 326 tấn cá tra, 40 tấn cá trê.

Chú trọng vào vùng nuôi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trên cơ sở phục hồi và phát triển lĩnh vực thủy sản, tổng diện tích nuôi thủy sản năm 2022 khoảng 3.400ha, tăng 80ha so năm 2021. Về sản lượng nuôi trồng thủy sản, kế hoạch năm 2022 sẽ đạt 521.000 tấn, trong đó sản lượng cá tra 428.000 tấn, tăng 29.000 tấn. Về sản xuất giống, sản lượng giống khoảng 3,6 tỷ con, tăng 160 triệu con so năm 2021.

Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp vận động DN chế biến thủy sản thành lập chuỗi cung ứng sản xuất sản phẩm cá tra. Các công đoạn đều phải được đào tạo, huấn luyện nuôi an toàn và chất lượng, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện đồng bộ và gắn kết chuỗi sản xuất, đảm bảo chất lượng từ khâu sản xuất giống đến sản phẩm chế biến, xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa.

Đối với cá tra thương phẩm, diện tích cá tra không tăng thêm, vẫn giữ ổn định 1.354ha nuôi mặt nước, chủ yếu tăng vòng quay và năng suất, tăng diện tích từ các hoạt động chuyển đổi ao nuôi. Động lực tăng trưởng của ngành cá tra sẽ là vùng nuôi thương phẩm quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao, cho năng suất và sản lượng lớn, như: Vùng nuôi 350ha mặt nước của Nam Việt Bình Phú; vùng nuôi Lộc Kim Chi 86ha mặt nước; vùng nuôi Nguyễn Văn Nhàn 100ha... Các vùng nuôi áp dụng khoa học - kỹ thuật mới để hạn chế dịch bệnh và hao hụt, đẩy mạnh phương pháp giảm giá thành sản phẩm nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ cá tra giữa DN và hộ nuôi, đảm bảo người nuôi có thể sản xuất và tiêu thụ ổn định.

Đối với cá tra giống và giống khác, An Giang duy trì diện tích sản xuất khoảng 1.000ha. Nếu nhu cầu giống tăng, người nuôi sẽ tăng vòng quay sản xuất từ 2 vụ lên 3-4 vụ/năm; tuân thủ quy định về quản lý và truy xuất nguồn gốc. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp. Trong đó, tập trung hỗ trợ dự án công nghệ cao Nam Việt Bình Phú, Việt Úc, Vĩnh Hoàn…

Các DN này khi sản xuất ổn định sẽ đảm bảo số lượng và chất lượng giống. Đồng thời, củng cố và xây dựng chuỗi liên kết giống 3 cấp; nâng cấp 2 chi hội sản xuất giống AFA lên thành hợp tác xã, nhằm cung cấp giống chất lượng cao, ổn định. Tỉnh cũng khuyến khích sản xuất giống các loại khác, như: Cá lóc, lươn, ếch, tôm càng xanh, cá điêu hồng…

Năm 2022, các đơn vị chuyên môn tăng cường quản lý việc nuôi thủy sản lồng bè, đảm bảo phát triển số lượng bè nuôi tập trung tại TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu, huyện Chợ Mới, Phú Tân, Châu Thành.

NGÔ CHUẨN