Vườn hồng giữa lòng thành phố của vợ chông ông Tạ Đình Kha (60 tuổi) và vợ là bà Trương Thị Thanh Quỳnh (59 tuổi) với hơn 800 gốc, trong đó có nhiều loại hồng cổ độc nhất Việt Nam và nhiều giống hồng ngoại.
Giữa trời hè nắng nóng, oi ả nhưng đi trong vườn hoa, không khí mát dịu với màu xanh của cây cối, rực rỡ sắc hoa, cảm giác mệt mỏi trong tôi tan biến.
Vườn hồng với hơn 800 gốc đủ chủng loại của gia đình ông Kha, bà Quỳnh (phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi, Quảng Ngãi).
Từ niềm đam mê với loài hoa này, vợ chồng bà Quỳnh đã dành nhiều tâm huyết, tạo nên khu vườn rực rỡ, ngát hương xung quanh ngôi nhà nhỏ. Nhìn người phụ nữ thong thả đi bên luống hoa, đôi tay khéo léo nâng niu cắt tỉa từng cành rồi nói về kỹ thuật chăm sóc hoa hồng một cách say sưa mới thấy bà sớm có niềm đam mê với loài hoa này đến mức nào.
“Từ nhỏ tôi đã ước ao sau này có cuộc sống riêng sẽ trồng xung quanh nhà toàn hoa hồng theo ý thích. Đâu ngờ ước mơ ngày nào lại thành sự thật”, bà Quỳnh bộc bạch.
Ba năm trước, vào dịp tết cổ truyền dân tộc, gia đình ông Kha mua vài chậu hoa hồng về để chơi tết. Cả hai vợ chồng cùng yêu hoa, yêu thích cuộc sống hài hòa với thiên nhiên. Vốn là một người nông dân nên ông cũng học hỏi biết ít nhiều về kĩ thuật trồng hoa, năm nào ông cũng làm vài chục chậu vạn thọ, hoa huệ để trưng bày ở vườn nhà trong dịp tết.
“Biết vợ thích hoa hồng nên tôi quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn nhà trên 300 mét vuông sang trồng hoa hồng. Hai vợ chồng không quản vất vả dọn cỏ, lên hàng, ươm trồng từng gốc cây”, ông Khoa cười rạng ngời nói.
Thời gian đầu, vợ chồng bà Quỳnh lên mạng tìm tòi, học hỏi dần thông qua các hội nhóm yêu hoa. Không ngại đường xa, hễ nghe ở đâu có hoa hồng lạ, vợ chồng bà hỏi thăm mua bằng được.
Chẳng bao lâu, khu vườn đã có trên 800 cây, hơn 100 loài hoa. Trong đó có những giống hồng cổ như: hồng Sa Pa, hồng Hải Phòng, hồng đào, hồng Tường Vi, Vân Khôi…
Giống ngoại cũng có nhiều với những tên mỹ miều như hồng Julio có màu đỏ sọc trắng, cánh kép, hương thơm dịu nhẹ, ra hoa quanh năm; hồng Blue Sky (mọc thành bụi xuất xứ từ Nhật Bản, mỗi chùm nhiều bông, mỗi bông có từ 20-30 cánh); Red Eden (dòng hồng cổ của nước Anh, cây khỏe, có thể cao hơn 2 m, màu đỏ nhung); Juliet (có màu đào còn được biết đến với cái tên là “bông hồng triệu đô”; hay hoa hồng Tezza cam cá hồi, hồng trung hoa và hoa hồng ngoại quý hiếm đến từ các nước Anh, Đức, Pháp, Nga...
“Chỉ nói về màu sắc thôi cũng đã có hàng chục loại, việc nhớ hết tên các loài hoa hồng không phải dễ dàng. Những người chơi hoa phải nhờ cách xếp cánh hoa, màu hoa và lá của cây để nhớ tên các giống hoa. Có vài loài quá giống nhau thì phải phân biệt nhờ hương thơm hoặc thời gian tàn của hoa”, bà Quỳnh thổ lộ khi trò chuyện về bí quyết đối với một người nông dân như bà khi nhớ được tên các loài hoa.
Ông Kha (bên phải) đang chia sẻ kỹ thuật chăm sóc hồng với khách tham quan.
Ông Kha còn hào hứng giới thiệu với tôi về cây hồng lạ thân cao chừng 1,2 m được ghép từ các loại hoa. Để cho ra đời sản phẩm này, ông chọn gốc thân gỗ thuộc họ hoa hồng, ghép các mắt hoa, tạo thành cây có nhiều màu khác nhau.
Chăm hoa hồng bận bịu chẳng kém gì con mọn, ngày nào cũng cặm cụi ngoài vườn, có giai đoạn cắt tỉa cành nhỏ, bỏ hoa để tập trung nuôi cây, có lúc lại hì hụi cuốc xới cho đất tơi xốp. Trong quá trình chăm sóc, mất công nhất là lúc uốn thân, tạo dáng thế cho cây. Vợ chồng ông thường xuyên quan sát thời tiết, nền nhiệt ngoài trời để điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp.
Bởi giống như bao loài hoa khác, hoa hồng cũng dễ mắc bệnh. Nắng quá cây bị nhiễm bọ trĩ, khi gặp mưa lại nguy cơ nấm mốc, bệnh nhện đỏ. Vì vậy, phải chủ động trong phòng sâu bệnh. “Tôi chủ yếu sử dụng các chế phẩm sinh học để áp dụng vào phòng bệnh và chữa bệnh trên cây hoa hồng. Đồng thời, tôi đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho vườn hoa hồng”, ông Kha nói.
Bây giờ, vườn hoa của gia đình bà Quỳnh đã bắt đầu có giá trị kinh tế, tùy theo màu, độ lâu năm hay vẻ đẹp mà giá mỗi cây từ 100 nghìn đồng đến tiền triệu.
“Tôi chăm hoa hồng vì niềm đam mê, yêu thích và giao lưu với anh chị em, bạn bè. Tôi chủ yếu bán rẻ cho những người yêu hoa như mình để họ có cơ hội thỏa niềm đam mê nhưng khi có thu nhập từ thành quả chăm bao lâu nay của mình thì vẫn rất vui”, bà Quỳnh cho hay.
Nhiều khách đến thăm vườn hồng được ông Kha cung cấp cây giống, tư vấn kỹ thuật chăm sóc và bước đầu thành công.
Ông Ngô Công Hoành, người chơi hoa ở TP.Quảng Ngãi thường xuyên đến thăm quan vườn hồng bày tỏ: “Dày công chăm sóc “nữ hoàng” các loài hoa, đến nay vợ chồng ông Kha, bà Quỳnh cũng được nhận quả ngọt. Tôi có khoảng 100 gốc hồng, tôi thấy chăm sóc hoa hồng rất khó nên tôi thường xuyên đến giao lưu học hỏi kinh nghiệm ở đây”.
Có người từng nói, những người yêu hoa hồng thường lạc quan, có niềm tin vào cuộc sống, lối sống giản dị, chan hòa với thiên nhiên, yêu lao động và biết sống chậm lại khi cần, đơn giản chỉ để thỏa sức được trồng loại cây mình yêu, ngắm hoa khoe sắc. Điều đó quả không sai với chủ nhân của vườn hồng này.
Theo Dân Việt