Quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn dịch tả heo Châu Phi

20/09/2018 - 07:57

 - Với đặc thù đường biên giới dài, lại đang vào mùa lũ, khả năng lây truyền dịch tả heo Châu Phi qua tuyến biên giới, xâm nhập vào An Giang là rất lớn. Do vậy, công tác phòng ngừa cần phải được tổ chức đồng bộ, quyết tâm, không được chủ quan.

Thế giới lo ngại

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả heo Châu Phi là bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người nhưng lây lan mạnh trên đàn heo. Tính đến giữa tháng 9-2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo dịch bệnh, buộc tiêu hủy trên 500.000 con heo. Đặc biệt, tại Trung Quốc đã xuất hiện 14 ổ dịch tại 6 tỉnh, có hơn 38.000 con heo bị buộc phải tiêu hủy. Đây là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, có tính lây lan nhanh, mạnh và xảy ra trên mọi lứa tuổi của heo, gây thiệt hại nghiêm trọng, với tỷ lệ chết cao (lên đến 100%). Virus gây bệnh cho dịch tả heo Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường, heo khỏi bệnh lâm sàng có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh. Hiện nay, chưa có Vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên giải pháp phòng bệnh vẫn là chính, cần phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan.

Cần chăm sóc tốt đàn heo trong tỉnh để tăng sức đề kháng, phòng ngừa dịch bệnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh dịch tả heo Châu Phi có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua việc buôn bán, vận chuyển heo và các sản phẩm (SP) từ heo nhập lậu qua các đường mòn, lối mở tại các vùng tiếp giáp biên giới, trong khi An Giang có đường biên giới dài gần 100km. Thêm vào đó, tỉnh đang vào mùa lũ, gây bất lợi trong việc cầm cột, chăn nuôi gia súc, làm suy giảm sức đề kháng của vật nuôi, việc kiểm soát vận chuyển động vật, SP động vật tại các khu vực tiếp giáp biên giới gặp nhiều khó khăn nên nguy cơ xâm nhiễm và phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc là rất lớn.

Thực hiện Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, ngày 14-9-2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đã ký Công văn số 993/UBND-KTN, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi. Trong đó, “nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và SP của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, bao gồm cả hình thức cho, tặng, quà biếu của các tổ chức, cá nhân và cư dân biên giới”.

Không lơ là, chủ quan

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với lực lượng thú y địa phương triển khai nhanh các hoạt động kiểm tra, giám sát, phòng, chống dịch bệnh trên đàn heo tại địa bàn quản lý nhằm ngăn chặn và phát hiện sớm dịch bệnh. Các địa phương tổ chức tuyên truyền để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển heo, SP của heo nhập lậu vào tỉnh tiêu thụ; không mua, bán heo, các SP của heo không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh. Khi phát hiện có heo mắc bệnh chết không rõ nguyên nhân hoặc động vật nghi mắc bệnh truyền nhiễm, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, nhân viên chăn nuôi và thú y xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan thú y gần nhất để có biện pháp xử lý. Đồng thời, vận động hộ nuôi thực hiện tốt việc tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, áp dụng biện pháp nuôi cách ly, theo dõi lâm sàng các đàn gia súc, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Vận động hộ buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và SP động vật tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm dịch động vật; không mua, bán động vật và SP động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y, không giết mổ động vật chết không rõ nguyên nhân.

Các huyện, thị xã, thành phố được yêu cầu tổ chức triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, các khu vực mua, bán, vận chuyển gia súc, khu vực tập kết giết mổ gia súc, tại các chợ buôn bán SP thịt heo bằng vôi bột hoặc hóa chất (từ ngày 15-9 đến 15-10-2018). Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng tại địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt việc vận chuyển động vật trên các tuyến biên giới, từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ, nhất là tại các khu vực đường mòn, lối mở, kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của thú y ngành thú y…

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện có dịch tả heo Châu Phi phải báo cáo ngay về UBND tỉnh, đồng thời phải dừng việc vận chuyển và xử lý ngay heo, SP heo, kể cả SP đã qua chế biến chính

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN