Giám đốc các Sở LĐTBXH chỉ đạo triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người lao động theo quy định, nội dung đã thỏa thuận.
Lao động trong lĩnh vực dệt may.
Các doanh nghiệp xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 theo quy định của pháp luật lao động và thông báo công khai cho người lao động trong doanh nghiệp biết.
Các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo số liệu về tình hình tiền lương, nợ lương năm 2023; kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024; gửi số liệu về Bộ LĐTBXH trước ngày 25/12.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình quan hệ lao động, biến động lao động và tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn; có biện pháp thích hợp để phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn.
Khi có tranh chấp lao động, đình công phát sinh các cơ quan quản lý cần nhanh chóng nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các bên tiến hành đối thoại, thương lượng để giải quyết bất đồng, không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn khó khăn, doanh nghiệp đã rất nỗ lực để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, tuy nhiên một bộ phận doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu đơn hàng, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch COVID-19, cho nên lương, thưởng Tết sẽ có khó khăn.
Trước tình hình đó, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết sớm cho đoàn viên, người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn yêu cầu công đoàn cơ sở đề xuất với doanh nghiệp xây dựng công khai phương án trả lương và thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán 20 ngày nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đề xuất này được nhiều doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng.
Các cấp công đoàn dành ra một khoản kinh phí tặng quà chăm lo Tết cho người lao động. Mỗi đơn vị tính toán, lựa chọn khoảng 10% lao động khó khăn nhất để chăm lo. Có thể chăm lo bằng nhiều hình thức: Ví dụ như: Tặng vé máy bay, vé tàu, tặng quà... huy động sức mạnh của cộng đồng để giúp lao động gặp khó khăn.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng, khi họ làm tốt điều này thì họ có thể giữ chân lao động, nhất trong bối cảnh nhiều nơi đang thiếu lao động như hiện nay.
Theo Báo Tin Tức