Sẵn sàng ứng phó thiên tai

11/04/2025 - 07:20

 - Hàng năm, lực lượng vũ trang (LLVT) chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức hiệp đồng nhiệm vụ ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn với các cơ quan, đơn vị liên quan. Sự chuẩn bị từ sớm góp phần kịp thời cơ động ứng cứu, giúp dân khắc phục hậu quả, giảm thiệt hại về tài sản mỗi khi xảy ra thiên tai.

Năm 2024, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh ước khoảng 11,4 tỷ đồng. Trong đó, xảy ra 65 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch, ước tổng thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng, tổng chiều dài gần 2,3km; ảnh hưởng 51 căn nhà, giảm 50% so năm 2023 (129 vụ, sạt lở 6,7km, ảnh hưởng đến 90 căn nhà). Điển hình là sự cố sạt trượt mái đê, lún nứt mặt đê ngày 20/9/2024 thuộc tuyến đê bờ Bắc Kênh Xáng (hệ thống đê cấp III vùng Đông kênh Bảy Xã, TX. Tân Châu), chiều dài 20m, ăn sâu vào đất liền khoảng 3m. Nặng nề nhất vẫn là thiệt hại do mưa giông, lốc, sét (ước tổng thiệt hại 9,4 tỷ đồng), khiến 1 người bị cây ngã đè chết, 3 người bị thương.

Tính đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh xảy ra 51 vụ mưa giông, làm 413 căn nhà bị sập, tốc mái. Tình hình này ghi nhận giảm 4 vụ, nhưng lại tăng 281 căn nhà bị ảnh hưởng so năm 2023. Ngoài ra, mưa giông còn làm đổ ngã cây, ảnh hưởng đến đường dây điện; sập mái che trường học, tốc mái 5 nhà ghe, trại làm việc diện tích 216m2. Đồng thời, làm thiệt hại 33ha lúa, hoa màu, gần 6ha cây ăn trái. Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp giảm nhiều so năm 2023, do thời gian xảy ra mưa, giông trùng với thời gian người dân đã thu hoạch xong vụ hè thu năm 2024.

Theo thượng tá Nguyễn Thanh Hùng (Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh), trong năm qua, các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện tốt kế hoạch hiệp đồng nhiệm vụ ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ CHQS tỉnh; chủ động phối hợp tuyên truyền, kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, lốc xoáy, sụt lún đất, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống Nhân dân. Đã có hơn 3.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia (gần 1.000 lượt bộ đội, hơn 2.000 lượt dân quân). LLVT tỉnh triển khai và tổ chức hiệp đồng với cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên bảo đảm lực lượng, phương tiện, vật chất, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo khi có vụ việc, tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Phát huy tinh thần phối hợp chặt chẽ, các đơn vị tiếp tục chủ động ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, không để thiệt hại về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước, Nhân dân trên địa bàn. Tại Hội nghị hiệp đồng ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, các đơn vị triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm; dự kiến một số tình huống, khu vực có thể xảy ra thiên tai và khu vực sơ tán Nhân dân; tổ chức hiệp đồng, phối hợp lực lượng, phương tiện cơ động chi viện, ứng cứu khi có tình huống xảy ra… Theo đại tá Nguyễn Văn Hiền (Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh), hội nghị hiệp đồng là cơ sở để Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024; tiếp tục chỉ đạo công tác hiệp đồng, thực hiện nhiệm vụ năm 2025 chặt chẽ, đạt kết quả tốt.

“Đề nghị Văn phòng Thường trực ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh thường xuyên cung cấp tình hình thời tiết cho các cơ quan, đơn vị để chủ động hiệp đồng trong thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị hiệp đồng (Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị trực thuộc Quân khu 9, Bộ Công an) phối hợp LLVT địa phương triển khai tốt kế hoạch hiệp đồng năm 2025; sẵn sàng huy động, chi viện lực lượng theo hiệp đồng và đề nghị của Bộ CHQS tỉnh khi có tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lốc xoáy…; có phương án, biện pháp xử lý ngay từ đầu, không để bị động trên địa bàn, khu vực đảm nhiệm. Quá trình thực hiện cần quán triệt, vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng không để thiệt hại về người do lỗi chủ quan. Từng cơ quan duy trì nghiêm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu gắn với trực ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên bảo đảm lực lượng, phương tiện, trang bị, vật chất sẵn sàng cơ động” - đại tá Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh.

Việc chung tay phòng, chống thiên tai không chỉ thuộc về LLVT, ngành chuyên môn, mà còn là của ban, ngành, đoàn thể địa phương, bằng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức người dân, tự bảo vệ mình và tài sản trước các loại thiên tai. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm mua sắm, bổ sung phương tiện, trang bị, vật chất bảo đảm thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên luyện tập, diễn tập phòng, chống thiên tai các cấp, để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

GIA KHÁNH