Sản vật từ cây thốt nốt

08/11/2024 - 06:53

 - Cây thốt nốt được thấy nhiều ở huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên. Sự hiện diện của chúng không chỉ góp phần tạo nên khung cảnh nên thơ, yên bình ở vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc, mà tất cả bộ phận của cây đều được người dân tận dụng phát triển kinh tế.

Từ lâu, cây thốt nốt được xem là món quà quý do thiên nhiên dành tặng người dân vùng Bảy Núi, là một phần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Hàng cây thốt nốt vươn cao trên cánh đồng lúa “vẽ” nên bức tranh thôn quê bình dị, tạo ấn tượng đặc biệt với du khách khi đến vùng Bảy Núi. Nhìn từ trên cao, thốt nốt trải dài trên cánh đồng lúa mênh mông, rực rỡ. Đây cũng là điểm nhấn ấn tượng với du khách khi đến vùng biên giới An Giang.

Thốt nốt có khả năng chịu khô hạn, ngập nước nhưng rất ưa nắng. Tuổi thọ mỗi cây có thể lên đến 1 thế kỷ, thân vươn cao khoảng 30m, vòm lá rộng. Thông thường, thốt nốt trên 10 năm tuổi mới bắt đầu ra hoa, sau khoảng 3 - 4 tháng kết trái, trái mọc thành buồng (trung bình 50 - 60 trái/buồng). Khi già, vỏ trái chuyển sang màu nâu cánh gián bóng nhẵn, cơm dày, nước ngọt thơm. Cây thốt nốt càng già càng cho nhiều nước. Những cây có tuổi đời từ 30 - 40 năm hầu như ra hoa, cho trái và nước quanh năm.

Cây thốt nốt trải dài trên cánh đồng lúa tạo nên khung cảnh yên bình

Thốt nốt có nhiều công dụng. Lá có thể dùng lợp mái nhà, làm nguyên liệu vẽ tranh, thân cây dùng trong xây dựng và chế tác vật dụng sinh hoạt gia đình. Riêng phần nước và trái thốt nốt là đặc sản trứ danh, được lòng thực khách. Đặc biệt, từ hoa thốt nốt trên ngọn cây cao chót vót, người dân cắt lấy phần nước, mang về nấu thành đường thốt nốt thương hiệu vùng Bảy Núi - An Giang.

Làm ra được sản phẩm đường thốt nốt không dễ dàng. Công đoạn trèo cây lấy nước thốt nốt về nấu đường lắm công phu. Người dân phải chuẩn bị cây tre có mắt lớn cột chặt vào thân cây thốt nốt làm thang. Khi lên đến ngọn cây, người ta dùng dao cắt vòi hoa, dùng thanh tre kẹp để dẫn nước từ hoa chạy thẳng vào chai nhựa. Nước thốt nốt sau khi lấy đủ, trải qua nhiều công đoạn chế biến tỉ mỉ mới cho ra mẻ đường thốt nốt thơm ngon.

Sản phẩm tạo ra từ thốt nốt

Ngoài cung cấp cho người dùng trong và ngoài tỉnh, sản phẩm đường thốt nốt còn vươn ra thị trường ngoài nước. Trong số đó, phải kể đến sản phẩm mật thốt nốt của Công ty Cổ phần Palmania (huyện Tri Tôn). Chúng được sản xuất theo phương thức thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi, mang chất lượng cao, nguyên chất, sạch, giữ được trọn vẹn hương thơm, vị ngon và đặc tính quý giá của đường thốt nốt.

Đi theo Tỉnh lộ 948 (nối TX. Tịnh Biên với huyện Tri Tôn), dễ dàng bắt gặp hai bên đường có rất nhiều quán giải khát với món chính là nước và trái thốt nốt, cùng những sản phẩm làm từ thốt nốt được bày bán. Nhiều năm gắn bó với sản phẩm từ thốt nốt, chị Nguyễn Thị Thu Lan cho biết: “Mặc dù nhiều điểm bán nhưng ai cũng bán đắt, nhất là khi có xe chở khách du lịch, hành hương về núi Cấm. Ngoài việc thưởng thức ly nước thốt nốt lạnh, đa phần du khách đều chọn mua đường thốt nốt mang về làm quà cho người thân, bạn bè”.

Hướng đến việc phát triển và nâng cao giá trị cây thốt nốt, UBND tỉnh ban hành kế hoạch vùng sản xuất, chế biến thốt nốt theo hướng hữu cơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo định hướng này, đến năm 2030, tỉnh sẽ hình thành vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ tại huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên; phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, phát triển sản phẩm thốt nốt hữu cơ có giá trị gia tăng, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, an toàn cho người sử dụng; từng bước xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ An Giang, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nông dân. Mục tiêu đề ra đến năm 2025, từ cây thốt nốt được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ, đến năm 2030 đạt 500 cây (đối với cây trên 40 năm tuổi)...

MỸ LINH