Sản xuất gắn với năng lượng tái tạo

25/11/2021 - 05:46

 - Khi tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời vào các mô hình sản xuất nông nghiệp, vừa giúp tiết kiệm chi phí điện năng, tăng hiệu quả sản xuất, vừa thuận lợi ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ. Đây là xu hướng cần được hỗ trợ nhân rộng.

Giảm chi phí

Đối với khu vực cặp chân núi Dài trên địa bàn xã Lê Trì (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), từ khi chuyển đổi mạnh sang trồng xoài, sầu riêng, bơ… đã góp phần thúc đẩy kinh tế vùng núi phát triển, tăng thu nhập cho nông dân, trong đó chủ lực là cây xoài. Tuy nhiên, khó khăn đối với cây xoài là vấn đề thiếu nước tưới và chi phí thuê nhân công tưới. Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (NN&PTNT) thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông dân xã Lê Trì đã đối ứng tham gia mô hình tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời trên cây xoài.

“Qua theo dõi, kết quả cho thấy, mô hình giúp tiết kiệm được 50% lượng nước tưới, giảm 67% chi phí lao động (công tưới), tiết kiệm 62,5% thời gian tưới so với phương pháp tưới truyền thống (chủ yếu dựa vào nhân công)” - nông dân Bùi Văn Quý thông tin. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT An Giang, mô hình này cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, có khả thi nhân rộng, đặc biệt phù hợp cho các địa phương thường xuyên thiếu hụt nguồn nước sản xuất như vùng Bảy Núi.

Tại xã Kiến An (huyện Chợ Mới) và xã Thới Sơn (huyện Tịnh Biên), nông dân được Sở NN&PTNT hỗ trợ tham gia mô hình trồng cây dâu tằm ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái. Theo đó, nông dân ứng dụng công nghệ tưới thông minh kết hợp bón phân tự động, giúp giảm được lượng nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu, giảm nhân công (công tưới, bón phân, phun thuốc), đồng thời tạo sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho địa phương và thiết lập được điểm tham quan du lịch sinh thái thân thiện môi trường, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Tại xã Bình Thủy (huyện Châu Phú) và xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), nông dân được hỗ trợ tham gia mô hình ứng dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây măng tây xanh, măng tây tím. Kết quả cho thấy, các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ ứng dụng công nghệ tưới sử dụng năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm nước, công lao động, phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí điện năng, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ.

Ở vùng chưa có điện lưới của xã Vĩnh An (huyện Châu Thành), nông dân thực hiện thành công mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng smartphone (điện thoại thông minh) kết hợp hệ thống pin năng lượng mặt trời cho cam, quýt. Mô hình giúp giảm 66,7% chi phí tưới (giảm thuê công lao động, rút ngắn thời gian tưới), tiết kiệm 31,2% lượng nước tưới, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tình trạng thiếu hụt nước vào mùa khô, giảm lượng phân bón, hạn chế sâu, bệnh gây hại phát sinh do tưới dư thừa nước.

Ứng dụng trên nhiều lĩnh vực

Không chỉ các mô hình trồng trọt mà lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, công nghệ sấy nông sản… cũng có thể kết hợp năng lượng mặt trời. Điển hình như ở xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú), mô hình ứng dụng hệ thống làm mát trong chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học giúp tăng hiệu quả đáng kể. Thông qua hỗ trợ của Sở NN&PTNT An Giang từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chủ trang trại nuôi gà đã đối ứng đầu tư hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà trang trại, ứng dụng hệ thống làm mát kết hợp với hệ thống chuồng trại đảm bảo, giúp giảm tối đa tỷ lệ hao hụt, tỷ lệ sống đạt 98%, kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm chi phí thuốc thú y, giảm công chăm sóc…

Qua đó, giúp tăng lợi nhuận khoảng 31% so với nuôi truyền thống. Tại xã Bình Hòa (huyện Châu Thành), mô hình ứng dụng pin năng lượng mặt trời phục vụ cho trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ sinh học mang lại hiệu quả cao.

Trong lĩnh vực thủy sản, mô hình “Ứng dụng công nghệ IOT và nuôi lươn thương phẩm mật độ cao” tại huyện Chợ Mới đã được triển khai thực hiện năm 2020. Nông dân thực hiện trên 24 bể nuôi lươn (2m2/bể), mật độ nuôi 1.000 con/bể. Sau 8 tháng nuôi, thu hoạch được 2,5 tấn lươn, giá bán 160.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 125 triệu đồng. Mô hình giúp tiết kiệm được thời gian, công chăm sóc, vệ sinh bể nuôi, sử dụng pin năng lượng mặt trời vận hành hệ thống bơm nước, tiết kiệm được chi phí điện năng.

Tại xã Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới) và xã Mỹ Phú (huyện Châu Phú), mô hình nuôi thủy sản đa con (cá chạch lấu và cá heo) ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả tốt. Sau 9 tháng nuôi, với diện tích ao 3.000m2 thu được 25.000 con cá mè hôi giống, 2,24 tấn cá chạch lấu và 800kg cá heo nước ngọt. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ước đạt 365 triệu đồng. Như vậy, chỉ sau 1 năm nuôi, có thể thu hồi vốn đầu tư. Tương tự, mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi cá heo nước ngọt trong vèo, trong ao đất cũng có nhiều triển vọng. Mô hình có diện tích ao nuôi 2.000m2, thiết kế bên trong có 2 vèo nuôi thể tích 90m3/vèo, thả 50.000 con giống, tỷ lệ sống đạt 80,3-81,5%. Sau 9 tháng nuôi, ước thu hoạch được 1.181kg cá heo, với giá bán 350.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 210 triệu đồng.

NGÔ CHUẨN