Đầu ra gặp khó
Gia đình ông Trần Văn Ngói có 4ha đất trồng lúa. Vụ hè thu năm nay, trên mảnh đất của mình, ông Ngói trồng giống lúa ML202. Theo ông Ngói, đây là giống lúa có đặc tính ít bị nhiễm sâu bệnh, song do vụ hè thu năm nay, ông xuống giống vào thời điểm không phù hợp, dẫn đến lúa trổ gặp mưa giông, từ đó năng suất thấp so với những vụ mùa trước. “Lúa xuống giống không đúng với lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp đưa ra nên năng suất thấp. Không những thế, từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó nên giá lúa trên đồng ở vụ hè thu thấp, nông dân bị “thiệt hại kép”, vừa mất mùa, vừa mất giá, vì vậy sản xuất vụ 3 sắp tới, tôi đang tính toán xem có nên trồng lúa nữa hay không, vì sản xuất đến 3 tháng mà mỗi công chỉ lời 300.000 - 500.000 đồng và có khi bị thua lỗ thì sản xuất làm gì, cho đất nghỉ, mình đi làm thuê trong 3 tháng đó để kiếm tiền tập trung cho vụ đông xuân hay hơn” - ông Ngói tính toán.
Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang tìm hướng đi mới. Có hộ đã chuyển sang trồng rau màu (đối với vùng đất phù hợp, vì năm nay mặt hàng rau màu luôn có giá), có hộ tính toán cho đất nghỉ hoặc chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Tất cả những tính toán đó nhằm sản xuất ổn định hơn, nông sản tiêu thụ được thuận lợi, nông dân có lãi sau mỗi vụ thu hoạch.
Theo dõi tình hình xuất khẩu gạo của cả nước từ đầu năm đến nay cho thấy, phần lớn các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam đều giảm mạnh so cùng kỳ, ngoại trừ thị trường Philippines. Nếu 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang 3 thị trường: Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đạt 1,44 triệu tấn thì 5 tháng đầu năm 2019, con số này giảm còn 239.000 tấn (giảm trên 6 lần). Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 2,76 triệu tấn, với giá trị 1,18 tỷ USD, giảm 6,3% về khối lượng và 20,4% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái.
Sản xuất lúa vụ 3 không còn hấp dẫn nông dân vì giá lúa không ổn định
Biến đổi khí hậu gia tăng
Nông dân không còn mặn mòi với sản xuất lúa vụ 3, ngoài đầu ra gặp khó khiến giá lúa trên đồng ở mức thấp thì một yếu tố bất lợi khác khiến nông dân lo sợ chính là tình hình biến đổi khí hậu gia tăng. “Mưa gió thất thường là chuyện diễn ra hàng ngày đối với thời tiết trong 5 năm trở lại đây. Sự bất thường này làm cho mùa vụ sản xuất gặp rất nhiều bất lợi. Cụ thể, nếu lúa trổ vào thời điểm mưa nhưng kèm theo giông lốc thì vụ đó lúa sẽ bị lem lép nhiều. Khi lúa trổ vào lúc trời nắng nóng, nhiệt độ ở mức cao thì lúa không thụ phấn, vỏ trấu bị hư, dẫn đến thất bát. Nếu 20 năm trước, sản xuất vụ đông xuân và hè thu thường ăn chắc thì nay cả 3 vụ trong năm, khi thu hoạch rồi mới biết, chứ không đoán trước được vì yếu tố thời tiết” - ông Nguyễn Văn Mân (xã Lê Chánh, TX. Tân Châu) chia sẻ.
An Giang là 1 trong 3 địa phương tại ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng của tình hình biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng và hạn hán kéo dài vào mùa khô. Mưa to và kéo dài vào mùa mưa gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Năm 2011, biến đổi khí hậu đã gây thiệt cho tỉnh 981 tỷ đồng, năm 2017 là 403 tỷ đồng. Đây là những con số thống kê được, con số chưa thống kê được còn lớn hơn nhiều. Thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu để sản xuất hiệu quả hơn, muốn vậy thì ngoài thị trường đầu ra, bà con cần chọn giống cây, con để sản xuất vào thời điểm thích hợp, áp dụng triệt để khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng để lúa và cây trái cho năng suất cao.
Nông dân trồng xoài để thay cho cây lúa
“Sản xuất lúa vụ 3 không còn hấp dẫn, nông dân đang chuyển dịch trồng các loại cây màu, cây ăn trái có thị trường tiêu thụ và lợi nhuận sau mỗi mùa vụ thu hoạch cao hơn. Ngay trên địa bàn xã An Thạnh Trung (Chợ Mới), diện tích trồng lúa ngày càng thu hẹp, diện tích trồng cây ăn trái ngày càng tăng lên, nhiều nông dân hợp tác với các công ty chuyên xuất khẩu, trồng lá tía tô để xuất khẩu sang Hàn Quốc, việc này mở ra triển vọng lớn cho vùng đất An Thạnh Trung hôm nay” - Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Trung Huỳnh Ngọc Cường thông tin.
Bài, ảnh: MINH HIỂN