Sản xuất nông nghiệp ở xã Vĩnh Nhuận

11/05/2022 - 06:46

 - Những năm qua, nông dân xã Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Nhuận Nguyễn Tấn Khoa cho biết, là xã thuần nông, Vĩnh Nhuận tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với điều kiện địa phương. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang các loại rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi trên địa bàn xã phát triển rộng khắp. Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Tiêu biểu, như: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của ông Phan Thành Chiến (ấp Vĩnh Thuận); tổ hợp tác sản xuất lúa giống của ông Nguyễn Thanh Tài (ngụ ấp Vĩnh Thuận); chăn nuôi và sản xuất lươn giống của ông Nguyễn Văn Chờ (ấp Vĩnh Hòa 1); sản xuất và nuôi ếch Thái Lan của ông Đoàn Văn Bực (ấp Vĩnh Hòa 1); trồng sầu riêng và hạnh của ông Bùi Văn Cưởng (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1); trồng mận An Phước của ông Trương Thành Phương (ấp Vĩnh Lợi); trồng quýt đường của ông Phùng Văn Chuyện (ấp Vĩnh Lợi)…

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2019, ông Bùi Văn Cưởng chuyển đổi 0,6ha đất trồng lúa sang trồng sầu riêng và hạnh. Thấy hiệu quả kinh tế mang lại, ông tăng diện tích trồng lên gần 7,5ha, trung bình khoảng 250 cây sầu riêng/ha. Hiện nay, vườn sầu riêng có khoảng 13 cây bắt đầu cho thu hoạch (gần 600kg), giá bán 70.000 đồng/kg, lợi nhuận 30 triệu đồng.

Ngoài ra, gia đình ông áp dụng “lấy ngắn nuôi dài”, trồng thêm cây hạnh, thu hoạch khoảng 20 triệu đồng/năm. “Tôi mong ngành nông nghiệp huyện thường xuyên tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Đặc biệt, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giúp nông dân kết nối, tiêu thụ nông sản ổn định, không bị thương lái ép giá” - ông Cưởng chia sẻ.

Gần đây, người trồng lúa gặp không ít khó khăn khi năng suất lúa ngày càng giảm, chi phí sản xuất ngày tăng cao, giá lúa bấp bênh, dịch bệnh ngày một nghiêm trọng, dẫn đến lợi nhuận người trồng thấp. Chính vì vậy, từ năm 2005, ông Nguyễn Thanh Tài tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa giống, với 1,3ha.

“Thu nhập ổn định, không phải lo đầu ra, nên tôi đã vận động 17 hộ nông dân địa phương thành lập tổ sản xuất lúa giống, canh tác gần 48ha. Thời gian tới, nhờ ngành chuyên môn hỗ trợ quy trình trồng lúa theo hướng an toàn, để các mô hình được nhân rộng, đưa vào chuỗi liên kết, đem lại lợi nhuận cho nông dân” - ông Tài bộc bạch.

Ông Nguyễn Tấn Khoa nhấn mạnh: “Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa cây trồng, áp dụng luân canh, xen canh trong sản xuất, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Trong đó, tích cực vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp sang rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho nông dân mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn”.

Giai đoạn 2019 - 2022, toàn xã Vĩnh Nhuận có 2.319 lượt cá nhân và 14 tập thể đạt nông dân giỏi 3 cấp (cấp tỉnh 322 lượt cá nhân, cấp huyện 455 lượt cá nhân, cấp xã có 1.542 lượt cá nhân và 14 tập thể). Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng 67 lượt cá nhân, tập thể tiêu biểu trong xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển nông thôn.

TRUNG HIẾU