Sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu thị trường

15/07/2021 - 05:05

 - Đó là đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2021 tại các tỉnh, thành phố Nam bộ. Cùng với lấy thị trường làm yếu tố quyết định sản xuất, cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Tính đúng chi phí đầu tư

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ lúa hè thu 2021, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ gần 1,6 triệu ha. Dù diện tích xuống giống giảm 11.000ha so vụ hè thu 2020 nhưng nhờ năng suất vụ hè thu 2021 tăng (ước đạt 56,51 tạ/ha, tăng 1,14 tạ/ha) nên sản lượng dự kiến đạt hơn 9 triệu tấn, tăng 120.000 tấn. Trong đó, sản xuất chủ yếu tập trung ở vùng ĐBSCL khi diện tích xuống giống gần 1,52 triệu ha, sản lượng gần 8,6 triệu tấn.

Vụ lúa hè thu năm nay được đánh giá là sản xuất thuận lợi nhưng giá thành sản xuất giữa các địa phương có sự chênh lệch lớn. Khi tính toán giá thành thực tế vụ hè thu 2020 vùng ĐBSCL, 3 tỉnh có giá thành trên 4.000 đồng/kg, đó là: Bến Tre 4.556 đồng/kg, Trà Vinh 4.328 đồng/kg, An Giang 4.036 đồng/kg. Trong khi đó, Tiền Giang chỉ tính giá thành 2.958 đồng/kg, nhiều tỉnh, thành phố, như: Đồng Tháp, Hậu Giang, TP. Cần Thơ tính giá thành chưa tới 3.200 đồng/kg. Tương tự, vụ hè thu 2021, 3 tỉnh tạm tính giá thành sản xuất lúa trên 4.000 đồng/kg tiếp tục là: Bến Tre 4.738 đồng/kg, Trà Vinh 4.501 đồng/kg và An Giang 4.197 đồng/kg. Tiền Giang vẫn là địa phương tính giá thành thấp nhất (3.076 đồng/kg); Đồng Tháp, Hậu Giang, TP. Cần Thơ tính giá thành vụ hè thu 2021 khoảng 3.300 đồng/kg.

An Giang đang tổ chức sản xuất tốt vụ hè thu 2021

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc tính toán giá thành sản xuất chênh lệch đến gần 1.700 đồng/kg lúa giữa mức cao nhất và thấp nhất là bất cập. “Về nguyên tắc, giá thành sản xuất giảm bao nhiêu thì lợi nhuận tăng thêm bấy nhiêu. Giá lúa giảm 100 đồng/kg, nông dân đã thấy lo vì mỗi tấn lúa giảm lợi nhuận 100.000 đồng, 1ha đất giảm cả triệu đồng. Nếu giá thành sản xuất chênh lệch 1.000 đồng/kg, lợi nhuận mỗi ha đất chênh lệch đến cả chục triệu đồng” - ông Hoan phân tích.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giao Cục Trồng trọt phân tích, đánh giá đúng chi phí sản xuất để tìm kiếm những mô hình giảm chi phí, tăng chất lượng và lợi nhuận. Trong đó, hướng đến tự chủ vật tư nông nghiệp trong nước, hạn chế lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để giảm chi phí đầu vào. Ngành nông nghiệp và các địa phương cần chuyển tư duy từ sản xuất đơn ngành sang đa ngành, nhân rộng các mô hình đa canh hiệu quả. “Trên cùng diện tích, nông dân có thể trồng sen kết hợp nuôi cá, trồng lúa kết hợp nuôi tôm, áp dụng mô hình vườn - ao - chuồng… Lợi nhuận không nên tính riêng của ngành trồng trọt hay ngành chăn nuôi mà quan trọng nhất là tăng lợi nhuận trên cùng diện tích” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đồng thời đề nghị ngành nông nghiệp lấy thị trường quyết định sản xuất, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp (lấy sản lượng làm mục tiêu) sang kinh tế nông nghiệp (lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu). Các địa phương cần quan tâm xây dựng mã số vùng trồng (code), tiến tới số hóa quản lý sản xuất, tránh mù mờ về dữ liệu…

Xây dựng nền nông nghiệp bền vững

Tại An Giang, vụ lúa hè thu 2021 cũng được tổ chức sản xuất tốt khi diện tích xuống giống lúa ở mức 228.479ha, giảm 2.757ha (nguyên nhân giảm do thực hiện chuyển dịch sang trồng hoa màu, cây ăn trái; một số vùng không thực hiện xuống giống để sản xuất vụ thu đông sớm và nuôi thủy sản). Dự kiến lúa hè thu sẽ thu hoạch rộ từ ngày 22-7 đến 31-8-2021, ước năng suất thu hoạch bình quân chung cả vụ đạt khoảng 5,71 tấn/ha, sản lượng cả vụ ước hơn 1,3 triệu tấn. Vụ thu đông 2021, dự kiến xuống giống 177.303ha (lúa 161.483ha, rau màu 15.820ha). Ước năng suất lúa bình quân vụ thu đông đạt 6,2 tấn/ha, sản lượng hơn 1 triệu tấn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, việc lấy thị trường quyết định sản xuất và chuyển tư duy sang kinh tế nông nghiệp là định hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Để làm được điều này, An Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ lúa, nếp, trong đó ủng hộ An Giang thí điểm hợp tác liên kết với Tập đoàn Lộc Trời triển khai sản xuất lúa trên 4 vùng sinh thái “rải vụ” với diện tích 40.000ha (triển khai 18.000ha liên kết ngay vụ thu đông 2021).

An Giang cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ điều hành ổn định giá vật tư nông nghiệp, bởi đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, có chính sách đưa nông sản vào hệ thống siêu thị trong nước; đầu tư xây dựng kho chứa để trữ lúa trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19... Đồng thời, xem xét, hỗ trợ xây dựng thành công thương hiệu gạo An Giang.

Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ địa phương trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật cũng như các chương trình trong việc chứng nhận chất lượng, cấp mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng nông sản để đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế, tạo vùng nguyên liệu để các doanh nghiệp thu mua.

NGÔ CHUẨN