Cách đây 10 năm, bánh ngũ cốc của gia đình ông Tâm ra đời, nhưng chưa được nhiều người biết đến. “Lọt thỏm” giữa hàng ngàn loại bánh kẹo trên thị trường, việc xây dựng thương hiệu là thách thức không nhỏ. Ông Tâm chọn cách tiếp cận khách hàng qua các đợt quảng bá hàng Việt của tỉnh và huyện, luân phiên đi khắp tỉnh, thành phố lân cận. Đồng hành với ông trong những chuyến đi là người bạn đời có cùng tâm huyết.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xứng (vợ ông Tâm) bày tỏ: “Nhờ cách này mà sản phẩm bán rất đắt. Nhiều hôm, chúng tôi phải chạy máy liên tục từ 9 giờ đến 20 giờ, nhưng vẫn còn khách xếp hàng đợi. Cao điểm có đêm bán được 150 - 200 bịch. Còn ngày thường, bánh ngũ cốc được phân phối cho đại lý trong và ngoài tỉnh. Sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cơ sở đang phục hồi sản xuất. Tuy chưa mạnh, nhưng đã từng bước kết nối với khách hàng ở các nơi”.
Bánh ngũ cốc dinh dưỡng
Phía sau loại bánh ngũ cốc khác lạ này, còn một câu chuyện gian nan khác. Ngày trước, quan sát cơ chế hoạt động của chiếc máy làm bánh ống, ông Tâm quyết định mô phỏng để sáng chế máy làm bánh theo công thức, mùi vị mới mẻ.
“Tôi may mắn thừa hưởng tay nghề của cha (mọi người quen gọi là ông Ba Khoái, thợ sửa có tiếng chuyên đóng thùng máy suốt lúa ở Rạch Gòi Lớn). Với vốn kinh nghiệm có sẵn, mỗi ngày tôi mày mò cách làm. Công đoạn nào không đủ phương tiện gia công thì nhờ “bạn nghề” giúp đỡ. Thời gian đầu rất khó khăn. Nghiên cứu tới lui, khoảng 1 năm mới thấy hoạt động trơn tru như ý, máy chạy ổn, tôi nâng cấp dần cho đến bây giờ” - ông Tâm kể.
Sản phẩm hoàn thiện là máy và khuôn ép bánh toàn bộ bằng sắt, chạy động cơ máy dầu. Hoạt động một thời gian, ông Tâm chưa thấy hài lòng, tự đặt cho mình yêu cầu cao hơn: Một chiếc máy phải an toàn, thân thiện với môi trường. Vậy là ông tiếp tục cải tiến, lần lượt thay sắt bằng inox để giảm tiếng ồn và chạy bằng điện thay vì bằng dầu.
Cùng với đó, máy vận hành năng suất hơn, chỉ cần 1 người đứng thao tác, thay thế cho 3 lao động như trước, giúp ông Tâm giải quyết khó khăn về nhân công lao động. Nếu có dịp tham quan các gian hàng giới thiệu ẩm thực, sản phẩm của tỉnh, nhiều người dừng chân, tò mò xem quầy bánh ngũ cốc Kim Thành. Máy làm ra bánh liên tục, vừa đảm bảo tiêu chí “mới ra lò”, vừa trình diễn cho khách xem quy trình thú vị, từ hỗn hợp bột cho ra những dây bánh dài hơn 1m và cuộn khoanh bánh hấp dẫn.
Bánh ngũ cốc được làm từ bột mì, bột gạo, bột cốt dừa, sữa bột, mè, các loại đậu, đường… Mỗi mẻ bột được phối trộn từ 60-70kg nguyên liệu, bình quân 1,7kg cho ra 1 bịch bánh. Cơ chế máy sản xuất thành dây dài, các khoanh đóng gói theo trọng lượng khác nhau. Bên cạnh mẫu mã khoanh lớn, nay công ty còn đóng gói thêm bao bì nhỏ, miếng bánh được sản xuất gọn hơn.
Để có nguồn nguyên liệu liên tục, ông Tâm đặt bột sơ chế, đảm bảo chứng nhận an toàn thực phẩm, tính toán thành phần, tỷ lệ phù hợp. Theo đăng ký với Cục An toàn thực phẩm, bánh có thể bảo quản điều kiện thông thường, sử dụng trong 90 ngày, không dùng phẩm màu, không có chất phụ gia bảo quản và không có dầu chiên, an toàn sức khỏe. Rất nhiều thực khách để lại phản hồi tích cực, nhất là vị ngon, mùi thơm hấp dẫn, giòn tan.
Sau quá trình tiếp cận thị trường thành công, được khách hàng góp ý và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh hướng dẫn, ông Tâm chính thức đăng ký nhãn hiệu bánh ngũ cốc Kim Thành, thuộc Công ty TNHH MTV Đặng Kim Thành, đồng thời chú trọng đến cách quảng bá, đóng gói bài bản hơn. Mới đây, sản phẩm được ngành chức năng đến khảo sát đánh giá, đề nghị nâng cấp lên sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của huyện Phú Tân.
“Trước đây, nhu cầu của tôi chỉ dừng lại ở mục đích bán bánh kiếm tiền, dựa vào những chuyến hàng di chuyển liên tục để tăng khách hàng và thị trường, chứ không nghĩ được như hôm nay. Chương trình, sự kiện lớn nào tôi cũng được thông tin, mời tham gia để bán, đưa sản phẩm chào hàng rộng khắp. Công ty sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu cần thiết, để sản phẩm đủ tiêu chí tham gia xét đánh giá đạt chuẩn OCOP” - ông Tâm chia sẻ.
MỸ HẠNH