Sớm đưa vụ tranh chấp của ông Cao Đăng Phuớc ra xét xử

24/10/2019 - 07:44

 - Báo An Giang nhận đơn khiếu nại của ông Cao Đăng Phước (ngụ ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Phú, Châu Phú) cho rằng, Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) huyện Châu Phú thụ lý hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, bao che cho phía bị đơn, ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng quy định.

Ông Phước trình bày: “Cha tôi là Cao Văn Cụi, mất năm 1978 và mẹ là Phạm Thị Án (Ánh), mất năm 2002. Lúc sinh thời, cha mẹ tôi có tạo lập được đất ruộng, đất thổ cư tọa lạc tại xã Mỹ Phú, riêng phần đất thổ cư tọa lạc tại tổ 14 (ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Phú) có diện tích 815,6m2, trong phần diện tích này trước kia cha mẹ tôi đã cắt cho người chị Cao Thị Quyên 1 nền nhà có diện tích 94,8m2, chị Quyên đã cất nhà ở có đóng thuế nhà đất cho nhà nước và ở trên nền đất một thời gian, do hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị Quyên di dời nhà về ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Thạnh Trung) sinh sống, nền đất bỏ trống. Cha mẹ qua đời không để lại di chúc, nhưng sau đó người em út Cao Văn Hồng đã chiếm hết đất không phân chia cho mấy anh em khác, mặc dù chúng tôi nhiều lần yêu cầu. Ngoài ra, Hồng còn âm thầm sang bán đất cho nhiều người khác, đồng thời làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) phần nền nhà của chị Quyên cho người vợ sau Dương Thị Nga đứng tên. Phát hiện được hành động của Hồng, tôi cùng các anh chị khiếu nại gửi đến UBND xã Mỹ Phú yêu cầu can thiệp, nhưng không được giải quyết. Đến năm 2013, tôi tiếp tục khởi kiện, tòa án thụ lý nhưng không giải quyết, kéo dài đến năm 2019. Tháng 9-2019, tôi nhận được quyết định của TAND huyện Châu Phú áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm tôi thực hiện hành vi cản trở trong việc bà Nga cất nhà trên phần đất của chị Quyên được hưởng là điều bất hợp lý, trong khi tòa án chưa giải quyết lần nào yêu cầu khởi kiện của tôi mà lại áp dụng biện pháp khẩn cấp trên, khi đất còn đang tranh chấp mà lại cho xây cất nhà là đúng quy định hay không, phải chăng thẩm phán thiên vị, tiêu cực, ưu ái cho bà Nga. Tôi yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết rõ và sớm đưa vụ kiện ra xét xử, nhằm đảm bảo công bằng cho người dân”.

Phía bà Nga cho rằng: “Phần đất căn nhà tôi đang ở là do mẹ chồng cho năm 1996 khi còn sống. Năm 2001, nhà nước đo đại trà và đến năm 2007 tôi được UBND huyện Châu Phú cấp GCNQSDĐ số H02930hF ngày 4-12-2007 với diện tích 94,8m2, thuộc thửa đất số 18, tờ bản đồ số 50, và sinh sống ổn định đến nay. Năm 2013, sau khi ông Cao Đăng Phước trở về có khởi kiện tranh chấp đòi QSDĐ đối với tôi nhưng không có cơ sở, đến năm 2014, TAND huyện Châu Phú đã thông báo trả lại đơn không thụ lý hồ sơ do ông Phước không cung cấp được tài liệu, chứng cứ. Đến năm 2019, nhà tôi bị sập nên tôi làm đơn xin sửa chữa, ông Phước ra tranh cản, tôi có đơn yêu cầu UBND xã Mỹ Phú và TAND huyện can thiệp, hỗ trợ cho tôi được sửa nhà để ở trong lúc chồng tôi đau bệnh nặng, tôi cam kết sẽ tuân thủ nghiêm các điều khoản khi tòa án phán quyết sau này”.

Trao đổi với phóng viên, TAND huyện Châu Phú cho biết, ngày 8-7-2019, TAND huyện Châu Phú đã thụ lý vụ án dân sự số 126/2019/TL.ST-DS về việc “Tranh chấp về thừa kế QSDĐ, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và hủy GCNQSDĐ” giữa nguyên đơn ông Cao Đăng Phước, bị đơn là vợ chồng ông Cao Văn Hồng, bà Dương Thị Nga (cùng ngụ ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Phú, Châu Phú), ông Phước khởi kiện yêu cầu chia thừa kế do cha mẹ để lại (cha mẹ mất không để lại di chúc), trong đó có đất ruộng, đất thổ cư và yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã cấp cho bà Nga và một số hộ khác mà ông Hồng đã sang bán. Trong quá trình giải quyết vụ án, phía gia đình bà Nga có xin phép sửa chữa nhà do bị xuống cấp nghiêm trọng và giông lốc làm sập nhà không nơi nương tựa, xét hoàn cảnh khó khăn thực tế của bà Nga, địa phương đã hỗ trợ một phần kinh phí và đồng ý cho bà Nga sửa chữa nhà theo hiện trạng trên phần đất thuộc quyền sử dụng của bà Nga, bà Nga có làm cam kết khi nào tòa án giải quyết nội dung như thế nào sẽ thực hiện đúng như thế đó, nếu tòa án quyết định phần đất thuộc quyền của ông Phước sẽ chấp nhận tháo dỡ di dời trả đất và không yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, do bị ông Phước ngăn cản không cho sửa nhà, nên bà Nga có yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ông Phước. Do vậy, theo quy định tại Khoản 1, Điều 111, Khoản 1, Điều 112 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, xét thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm thực hiện hành vi nhất định” là cần thiết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự theo quy định pháp luật, ngày 7-10-2019 thẩm phán đã ra Quyết định số 11/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm ông Phước thực hiện hành vi cản trở việc bà Nga cất, sửa nhà là có căn cứ, quyết định trên chỉ là tạm thời. Sắp tới, TAND huyện Châu Phú sẽ ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của ông Phước đối với việc thẩm phán ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đồng thời sớm đưa vụ kiện tranh chấp của ông mà tòa án đã thụ lý ra xét xử.

Bài, ảnh: K.N