Sở Công thương phối hợp Trung tâm Tin học (Trường Đại học An Giang) đã trực tiếp đến 7 cơ sở, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình và tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm, cách đăng nhập thông tin, tra cứu thông tin trên sản phẩm: Tổ sản xuất rau an toàn Tuấn Phong (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc), Công ty TNHH MTV TM-DV Phan Nam (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), Hộ kinh doanh nông trại Ếch Ộp (phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên), Công ty TNHH MTV TM-DV Nhật Trường (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn), Hộ kinh doanh hoa lan Thanh Mai (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), Hợp tác xã sản xuất GAP Bình Phước Xuân (xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới), Hợp tác xã nông sản an toàn Kiến An Chợ Mới (xã Kiến An, Chợ Mới).
Dán tem truy xuất nguồn gốc cà chua bi
Tại Tổ sản xuất rau an toàn Tuấn Phong tham gia truy xuất nguồn gốc 4 sản phẩm: dưa lê, dưa lưới, cà chua bi, xoài 3 màu được trồng trên diện tích 6.300m2, tiêu thụ tại Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Phan Nam, Siêu thị Tứ Sơn, Co.op mart Châu Đốc, khách du lịch, hộ kinh doanh... Ông Hồ Tấn Phong (Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn Tuấn Phong) cho biết: “Tổ sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa trong nhà màng, có đăng ký logo thương hiệu độc quyền. Tham gia hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, tôi thấy rất có lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, dù sản phẩm đi bất cứ thị trường nào khách hàng cũng biết rõ xuất xứ”.
Công ty TNHH MTV TM-DV Phan Nam tham gia truy xuất nguồn gốc 7 sản phẩm trên diện tích sản xuất 3.000m2: dưa lưới, cà chua bi, ổi (năng suất 59 tấn/năm/4 vụ), mồng tơi, rau dền, mướp, chanh (cung ứng hơn 60kg/ngày), tiêu thụ tại 11 điểm cửa hàng nông sản an toàn: TP. Long Xuyên, Châu Thành, Phú Tân, Thoại Sơn, chợ Cái Dầu (Châu Phú); Trường mầm non Bình Minh, Trường mầm non thị trấn Núi Sập, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Đa khoa Núi Sập. Chị Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Công ty sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng chuỗi nông sản an toàn chưa truy xuất nguồn gốc qua smartphone. Sở Công thương xây dựng phần mềm này rất hay. Khách hàng chỉ cần cầm smartphone quét lên sản phẩm sẽ cập nhật nguồn gốc, ngày sản xuất, cách gieo trồng... người tiêu dùng an tâm, tín nhiệm hơn đối với sản phẩm”. Tại Hợp tác xã sản xuất GAP Bình Phước Xuân sản xuất xoài 3 màu 129ha, thị trường chủ yếu là Trung Quốc và các chợ đầu mối nội địa. Giám đốc Hợp tác xã sản xuất GAP Bình Phước Xuân Trần Ngọc Khi cho biết: “Hợp tác xã có 70 thành viên, diện tích 190ha xoài. Xoài Bình Phước Xuân đạt tiêu chuẩn VietGAP, khi áp dụng truy xuất nguồn gốc nâng cao vị thế sản phẩm xoài, người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”.
Anh Phan Minh Trung (Trung tâm Tin học, Trường Đại học An Giang) cho biết: “Phần mềm truy xuất nguồn gốc phát triển dựa trên nên tảng mã nguồn mở. Phần mềm hoạt động tương thích với tất cả các thiết bị từ máy tính đến thiết bị di động, Sở Công thương quản lý thông tin các đơn vị tham gia vào truy xuất nguồn gốc, quản lý cung cấp tem cho các đơn vị tham gia. Phần mềm giúp nông dân cập nhật thông tin sản phẩm, truy xuất thông tin hình ảnh nơi sản xuất nhanh chóng, tiện dụng, việc dán tem sẽ nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm”.
Tham gia hệ thống, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân được cấp tem miễn phí với thao tác đơn giản. Sử dụng điện thoại smartphone có kết nối internet, Sở Công thương sẽ cấp tem, nông dân chịu trách nhiệm với tem của mình với phương pháp đăng nhập vào tài khoản để Sở Công thương cung cấp, kích hoạt số tem dán lên sản phẩm. Nhờ vậy, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng smartphone có chức năng quét mã QRcode có thể nhìn thấy thông tin sản phẩm, nơi sản xuất, địa chỉ sản xuất và hình ảnh của sản phẩm đến bản đồ sản xuất ở đâu.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người sản xuất, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn, nhất là trong thời điểm mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn nạn như hiện nay, hệ thống này còn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội vô cùng lớn. Đặc biệt, thắt chặt mối liên kết, tương tác đa chiều giữa 4 nhà: “Nhà quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất - người tiêu thụ”. Thông qua việc truy xuất nguồn gốc sẽ giúp người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng nông sản sạch, chất lượng; kiểm soát được tối đa việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; thúc đẩy quy trình liên kết tiêu thụ nông sản sạch. Nhà quản lý sẽ kiểm soát tốt nguồn gốc nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, kết nối được các nguồn tin đa chiều về doanh nghiệp, nhà sản xuất, người tiêu dùng và sản phẩm trong hệ thống, từ đó đề ra chủ trương, chính sách, hoạch định kế hoạch phát triển sản xuất, điều tiết thị trường. Đối với doanh nghiệp sẽ cập nhật, quản lý tốt các cơ sở đủ điều kiện an toàn của doanh nghiệp mình đang quản lý cũng như các cơ sở phân phối đang hợp tác.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU