Sử dụng “vũ khí sắc bén” trong tuyên truyền

12/06/2024 - 07:11

 - Tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng được chỉ ra từ 47 năm trước, bằng Chỉ thị 14-CT/TƯ, ngày 3/8/1977 của Ban Bí thư (khóa IV) “Về việc tổ chức đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên của Đảng”, tiếp nối bằng Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007. Gần đây nhất, là Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 5/2/2024.

Đảng xác định, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là một trong những kênh thông tin quan trọng nhất, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, giáo dục, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế; góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào cách mạng. Đồng thời, đây là một trong những vũ khí sắc bén, kịp thời đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phê phán quan điểm sai trái, lệch lạc, phản động.

Tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với Nhân dân, Trung ương với địa phương và cơ sở. Công tác tuyên truyền miệng là nhiệm vụ của toàn Đảng, vì vậy tất cả cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở, đảng viên hoạt động trên mọi lĩnh vực đều phải có trách nhiệm tuyên truyền miệng, trực tiếp tham gia tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân ở nơi công tác và cư trú, coi đó là tiêu chuẩn để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chất lượng công tác của cấp ủy, tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất chính trị của mỗi đảng viên.

Hội nghị báo cáo viên được tổ chức định kỳ hàng tháng

Theo đánh giá của Ban Bí thư, công tác tuyên truyền miệng tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng một số cấp ủy Đảng chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này. Một số nơi, chất lượng hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế, thiếu sắc bén, tính thuyết phục, tính chiến đấu chưa cao, chậm đổi mới nội dung, phương thức; việc cung cấp thông tin có lúc, có nơi chưa đầy đủ. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, chế độ, chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa được quan tâm đúng mức. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiếp tục phát huy thế mạnh của công tác tuyên truyền miệng đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện tốt 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác tuyên truyền miệng. Thứ hai, đổi mới nội dung gắn với tăng cường tính định hướng, thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng, gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch. Thứ ba, đa dạng hóa phương thức, nâng cao hiệu quả các loại hình tuyên truyền miệng, hướng mạnh về cơ sở; kết hợp tuyên truyền trực tiếp với trực tuyến; tăng cường hình thức trực tiếp đối với lĩnh vực, địa bàn, vấn đề phức tạp, nhạy cảm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, phát huy vai trò của phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội. Cuối cùng là thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên các cấp; tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng ký Công văn 1198-CV/TU, ngày 19/4/2024 của Tỉnh ủy An Giang, nhấn mạnh thêm các nội dung: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư về ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan Nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm; Quyết định 340-QĐ/TW, ngày 3/12/2010 của Ban Bí thư ban hành Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng; Quy định 887-QĐ/TU, ngày 8/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy định ứng xử với truyền thông trên địa bàn tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đúng theo quy chế đã ban hành; hướng dẫn thực hiện chế độ đối với đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở theo quy định của Trung ương. Phối hợp cơ quan, đơn vị hướng dẫn, định hướng nội dung, cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ”.

“Cần tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị 30-CT/TW trong cán bộ, đảng viên, tới các chi bộ, trên phương tiện thông tin đại chúng và qua hoạt động đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Từ đó, làm rõ đóng góp của công tác tuyên truyền miệng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc; vị trí, vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu đổi mới của công tác này trong tình hình mới (điểm mới về vai trò, trách nhiệm cấp ủy Đảng, người đứng đầu; yêu cầu mới về nội dung, phương thức hoạt động; quy định mới về trách nhiệm cơ quan chủ trì, phối hợp…). Phải xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa Chỉ thị 30-CT/TW, Công văn 1198-CV/TU; kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện, tuyên truyền viên nòng cốt của Đảng ở cơ sở theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả” - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Mạnh Hà hướng dẫn.

Lịch sử và ý nghĩa quan trọng của công tác tuyên truyền miệng gắn liền với lịch sử của công tác tư tưởng trong suốt quá trình cách mạng của Đảng. Thực tiễn cho thấy, tuyên truyền miệng mang nhiều ưu thế đặc trưng, đặc tính vượt trội mà các hình thức, loại hình khác không thể thay thế được. Đây là cách thức tuyên truyền có điều kiện, khả năng tiến hành thường xuyên, kịp thời và phổ biến, dễ thích ứng, không giới hạn về thời gian, số lần và cũng không cầu kỳ, phụ thuộc vào công cụ, trang bị phức tạp. Hiện nay, tuyên truyền miệng vẫn là phương thức tuyên truyền có tính đặc trưng, ưu thế trong bối cảnh thông tin phức tạp, đa chiều.

GIA KHÁNH