Tà Đảnh xây dựng nông thôn mới nâng cao

24/03/2022 - 06:44

 - Là địa phương cửa ngõ của huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), xã Tà Đảnh quyết tâm thực hiện đạt và giữ vững xã nông thôn mới (NTM) nâng cao. Qua đó, tạo động lực để các xã ở huyện Tri Tôn cùng vươn lên xây dựng NTM.

Người dân hưởng lợi

Năm 2017, xã Tà Đảnh (huyện Tri Tôn) được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM. Không chủ quan với thành tích đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tà Đảnh quyết tâm đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Việc xây dựng NTM được người dân đặc biệt ủng hộ bởi chính họ là những người cảm nhận rõ nhất lợi ích do NTM mang lại.

Trên tuyến Tỉnh lộ 941 đi ngang trung tâm xã Tà Đảnh với chiều dài 6,5km và tuyến đường huyện 79 với chiều dài 2km, người dân đã tham gia trồng 200 cây bông trang, 2.500 cây hoa hoàng yến để xây dựng thành các tuyến đường xanh - sạch - đẹp theo phát động của Ban Quản lý xây dựng NTM xã.

Cũng trên các tuyến đường đi qua xã Tà Đảnh, như: Tỉnh lộ 941, Tỉnh lộ 945, tuyến kênh cầu 11, tuyến đường huyện 79, tuyến bờ Tây kênh 10 với tổng chiều dài 11,5km, được thực hiện mô hình đèn đường chiếu sáng. Tất cả đều nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Từng hộ dân cùng tham gia làm hàng rào cây xanh, cột cờ và thu gom rác, phân loại rác thải nông nghiệp, tham gia mô hình cổng hàng rào an ninh, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Hạ tầng giao thông trên địa bàn xã Tà Đảnh được quan tâm đầu tư

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tà Đảnh Lê Đình Hiếu Nhân Trung cho biết, cùng với xây dựng NTM, việc nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân cũng được quan tâm. Địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững). Nhiều mô hình nông nghiệp mới xuất hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như mô hình ứng dụng nhà lưới của ông Phan Văn Thụ ở ấp Tân Thuận. Trên diện tích nhà lưới 1ha, ông Thụ trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Bình quân canh tác 3 vụ/năm, lợi nhuận 40 triệu đồng/vụ, ông Thụ có nguồn thu 120 triệu đồng/ha/năm. “Đây là mô hình làm ăn có hiệu quả, đem lại lợi nhuận kinh tế cao, xã tiếp tục có kế hoạch nhân rộng trên 4 ấp” - ông Trung thông tin.

Ở ấp Tân Trung, ông Nguyễn Thanh Dân chuyển đổi 1ha đất lúa sang trồng cam, được hỗ trợ ứng dụng mô hình tưới phun tự động. Với nguồn thu bình quân 3 triệu đồng/cây cam/năm, mô hình 1.000 cây cam của ông Dân dự kiến mang về khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm, con số rất lớn ở vùng nông thôn. Thấy được hiệu quả này, xã Tà Đảnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đề án chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả và đất vườn tạp sang trồng cây ăn trái, đa dạng các loại cây trồng, như: Mãng cầu xiêm, na Thái, xoài, vú sữa, ổi, cam sành, táo, nhãn… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Không chạy theo hình thức

Còn nhớ năm 2010, khi triển mới khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xuất phát điểm của xã Tà Đảnh rất thấp khi mới đạt 4/19 tiêu chí NTM. Nhờ nhiều nỗ lực, xã Tà Đảnh đạt chuẩn NTM sau 7 năm.

Ông Lê Đình Hiếu Nhân Trung cho biết, từ khi được công nhận đạt chuẩn xã NTM đến nay, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn xã phát triển ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh, có sự đột phá bằng các mô hình sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; vận động người dân xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định.

Sau hơn 4 năm được công nhận, xã Tà Đảnh tiếp tục duy trì, nâng chất, giữ vững 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu theo bộ tiêu chí xây dựng NTM (Quyết định 3379/QĐ-UBND, ngày 28-11-2016 của UBND tỉnh). Trên cơ sở này, Đảng bộ và nhân dân xã Tà Đảnh quyết tâm thực hiện và đề nghị tỉnh thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao (qua kiểm tra của huyện, xã Tà Đảnh đạt 19/19 tiêu chí và 35/35 chỉ tiêu theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tỉnh An Giang, ban hành theo Quyết định 1005/QĐ-UBND, ngày 8-5-2018 của UBND tỉnh).

Ông Trung cho biết, xã Tà Đảnh có địa thế thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy, kênh rạch nhiều, có 20,5km đường trục chính liên thông xã Tân Tuyến, thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn), xã Vĩnh An (huyện Châu Thành), xã Tân Lập (huyện Tịnh Biên), có 7km đường huyện dọc theo kênh 10 Châu Phú, nối từ kênh ven lộ đến kênh 7 giáp xã Tân Tuyến. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển nhanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, 100% đường xã và đường trung tâm xã đến huyện, đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa đạt chuẩn; 100% đường ngõ xóm được cứng hóa, sạch, không lầy lội vào mùa mưa, trong khi 96,48% đường trục chính nội đồng nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. 100% diện tích sản xuất trên địa bàn xã Tà Đảnh đều được cơ giới hóa; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động cũng đạt 100%. Trong khi đó, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn đạt 99,49%; 75% số trường học các cấp (mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS) có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia…

Nhờ xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Tà Đảnh đạt gần 62,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,19%; 92,12% lao động trong độ tuổi có việc làm, trong đó tỷ lệ có việc làm qua đào tạo đạt 66,83%...

NGÔ CHUẨN