Tái cơ cấu kinh tế An Giang theo hướng nào?

21/01/2020 - 03:27

 - Với những lợi thế, tiềm năng và kinh nghiệm đổi mới, đón đầu cơ hội, An Giang hoàn toàn có thể trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch, giáo dục, trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao của cả vùng ĐBSCL. An Giang cũng có thể phát triển thành trung tâm dịch vụ, trung chuyển hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh, ĐBSCL với Tiểu vùng Mekong.

PGS.TS Phan Thanh Bình chia sẻ ý kiến về kinh tế An Giang

Cầu thị thay đổi

Để chuẩn bị cho nội dung Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng Đề án “Tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang: Tạo đột phá hướng đến phát triển bền vững”.

Đề án do TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. Hồ Chí Minh (Đại học Fulbright) phụ trách nhóm nghiên cứu.

Với kinh nghiệm và vai trò của tiến sĩ kinh tế học, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy (Mỹ), thành viên Nhóm chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam cũng như thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, những nghiên cứu, phân tích, đánh giá của TS Vũ Thành Tự Anh là những gợi ý quan trọng cho định hướng phát triển của tỉnh, trước hết là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo chuyên gia Vũ Thành Tự Anh, để phát triển bền vững, An Giang phải tự vươn lên từ nội lực là chính, không thể trông chờ vào đầu tư của Trung ương. “Ngân sách Trung ương đang gặp khó khăn, 1 đồng đầu tư = 1 đồng đi vay, nên hy vọng Trung ương đầu tư mạnh mẽ cho An Giang là không có cơ sở” - chuyên gia này nhấn mạnh.

Nói về khó khăn của An Giang, TS Vũ Thành Tự Anh cho biết, nút thắt trọng yếu nhất vẫn là hạ tầng giao thông nhưng chưa được đầu tư tương xứng. Tuy nhiên, những năm tới, hạn chế này phần nào được tháo gỡ khi các tuyến cao tốc về ĐBSCL được đầu tư, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh xuống An Giang còn khoảng 3 giờ thay vì 4,5 giờ như hiện nay.

“An Giang phải chịu khó “kiên nhẫn chờ thời”, đón đầu những cơ hội mới. Tỉnh cần tận dụng lợi thế của các địa phương vùng ĐBSCL để biến thành nội lực của mình. Ví dụ như: đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường N2, cầu Vàm Cống, cảng Trần Đề… sẽ tạo động lực cho An Giang nếu kết nối tốt” - TS Vũ Thành Tự Anh gợi ý.

Chuyên gia này cho biết, du lịch và nông nghiệp vẫn là những ưu thế phát triển của An Giang trong tương lai. “Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng mạnh. Dự báo đến năm 2030, tầng lớp trung lưu chiếm hơn 50% với mức tiêu dùng từ 15 USD/người/ngày trở lên. Chi tiêu cao sẽ đòi hỏi các dịch vụ tốt, chất lượng. Đây là cơ hội để du lịch An Giang phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách chịu chi tiền” - TS Vũ Thành Tự Anh phân tích.

Đối với nông nghiệp, An Giang cũng có ưu thế lớn khi ít chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn như nhiều tỉnh ĐBSCL khác. Đây là cơ hội để tỉnh xây dựng thành trung tâm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển thương hiệu, tăng giá trị nông sản.

“Trong định hướng, tỉnh cần lưu ý phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không phải là sản xuất nông nghiệp. Đó phải là sự phát triển của cụm ngành, hệ sinh thái, thương hiệu chứ không phải là bao nhiêu trái xoài, con cá” - TS Vũ Thành Tự Anh phân tích.

Chú trọng bền vững

Về quan điểm phát triển, TS Vũ Thành Tự Anh đề nghị tỉnh chú ý đến cả 3 trụ cột là người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Trong đó, lấy phúc lợi cho người dân, tỷ lệ giảm nghèo làm trọng tâm phát triển, “không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”.

Tỉnh phải tạo điều kiện, động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế phát triển, hướng đến tự chủ, tự cân đối ngân sách. Đồng thời, phải tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức sáng tạo, đổi mới chứ không chỉ làm tròn vai, gạt bỏ tâm lý “làm ít sai ít”, khuyến khích làm sai rồi sửa. Chính sự năng động, sáng tạo của công chức nhà nước sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân.

Đồng ý với quan điểm phát triển bền vững, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, định hướng của tỉnh là phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Tỉnh quan tâm chất lượng hơn con số tăng trưởng, hướng đến nâng cao cuộc sống người dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo phát triển…

“Những ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đóng góp cho Đề án “Tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang: Tạo đột phá hướng đến phát triển bền vững” đã cung cấp cho tỉnh thêm nhiều thông tin mới, giúp tỉnh thay đổi tư duy, cách nhìn về tăng trưởng bền vững.

Đề án sẽ là nguồn bổ sung quan trọng cho Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) cũng như định hướng lâu dài của tỉnh, trước hết là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Từ cách nhìn đầy đủ, khách quan, tỉnh sẽ hạn chế được sự chủ quan, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội để phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của An Giang” - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.

Là những người con quê hương An Giang, TS Nguyễn Văn Giàu (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) và PGS.TS Phan Thanh Bình (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, việc triển khai Đề án “Tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang: Tạo đột phá hướng đến phát triển bền vững” để bổ sung cho Văn kiện Đại hội Đảng là cách làm rất sáng tạo của An Giang.

“Việc chọn nhóm chuyên gia của Đại học Fulbright để nghiên cứu, dự thảo đề án sẽ giúp tỉnh có được những ý kiến tâm huyết, nhìn thẳng vào sự thật để xây dựng và phát triển” - TS Nguyễn Văn Giàu khẳng định.

NGÔ CHUẨN