Tái ngộ trà mãng cầu Thanh Nam

12/11/2020 - 06:33

 - Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang), Cơ sở sản xuất - kinh doanh trà mãng cầu Thanh Nam (ấp Hòa Phú, xã Định Thành, Thoại Sơn) tập trung xây dựng trà mãng cầu thành sản phẩm đặc sản, đưa vào “giỏ quà tặng” của An Giang. Mong muốn của chàng trai “9X” Hồ Thanh Nam là lan tỏa sản phẩm đi khắp cả nước.

Mạnh dạn chuyển đổi

Gặp lại ông chủ trẻ Hồ Thanh Nam sau khi sản phẩm trà mãng cầu của Cơ sở sản xuất- kinh doanh trà mãng cầu Thanh Nam (Cơ sở Thanh Nam) được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chàng trai “9X” hồ hởi với dự định sắp tới. “Được các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quy trình xây dựng chuỗi sản phẩm sạch, tôi đã tích cực phối hợp triển khai. Sau khi được cấp chứng nhận chuỗi sản phẩm sạch, tôi sẽ thiết kế lại nhãn mác, bao bì có gắn thêm logo sản phẩm OCOP tỉnh An Giang nhằm phát triển thương hiệu, xây dựng uy tín sản phẩm với người tiêu dùng” - Nam chia sẻ.

Cơ sở Thanh Nam được hỗ trợ đầu tư hệ thống sấy năng lượng mặt trời

Qua 3 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh của năm 2020, trà mãng cầu Thanh Nam là 1 trong 5 sản phẩm của huyện Thoại Sơn được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP cấp tỉnh còn lại của huyện là tranh lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng (thị trấn Núi Sập), nấm linh chi khô hiệu Tri Thức (xã Thoại Giang), gạo An Bình 1 của Hợp tác xã nông nghiệp An Bình (xã An Bình) và bưởi da xanh của hộ sản xuất bưởi da xanh Lê Thị Hạnh (thị trấn Óc Eo).

“Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hệ thống bưu chính của Viettel đã liên hệ vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ (thông qua ứng dụng thương mại điện tử VOSO), hệ thống bưu điện của tỉnh cũng liên hệ vận chuyển. Sản phẩm được trưng bày, giới thiệu trong siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc), liên hệ được đối tác để xuất hàng sang Dubai (các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất). Ngoài ra, cơ sở đẩy mạnh bán hàng trên các kênh thương mại điện tử như: Tiki, Shopee, Sendo… để tiếp cận người tiêu dùng toàn quốc”- Hồ Thanh Nam nhấn mạnh.

Hiện nay, đang là mùa trái vụ mãng cầu xiêm nên nguồn nguyên liệu không có nhiều, chưa đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất của Cơ sở Thanh Nam. “UBND huyện Thoại Sơn đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cơ sở mở rộng xây dựng vùng nguyên liệu mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn chuỗi sản phẩm sạch. Đây là điều kiện thuận lợi để cơ sở phát triển sản xuất, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nâng cao giá trị từ trái mãng cầu xiêm, cũng là tăng doanh thu, lợi nhuận cho cơ sở và nâng cao thu nhập cho nông dân tham gia liên kết” - Nam kỳ vọng.

Xây dựng đặc sản An Giang

 Hiện nay, sản phẩm trà mãng cầu Thanh Nam được nhiều người tin dùng, mua về sử dụng như một loại nước uống hàng ngày, vừa có tác dụng ổn định đường huyết (đối với bệnh nhân tiểu đường), vừa giúp người dùng có giấc ngủ sâu, tốt cho người bị cao huyết áp, đau bau tử… “Tôi nhận được nhiều phản hồi rất tích cực của người dùng, trong đó có cả những lời cảm ơn vì tác dụng tốt của trà mãng cầu. Đó là niềm vui, là động lực để tôi phát triển sản phẩm trà mãng cầu” - chàng trai “9X” Hồ Thanh Nam bộc bạch.

Hồ Thanh Nam tiếp tục nghiên cứu nhãn mác, bao bì sản phẩm trà mãng cầu

Khi ít nhiều tạo được chỗ đứng trên thị trường, ông chủ trẻ định hình hướng đi riêng cho sản phẩm. “Theo thông tin được biết, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản An Giang vào giỏ quà tặng Tết, giỏ quà tặng cho khách đến với An Giang và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là cơ hội để sản phẩm trà mãng cầu Thanh Nam tham gia vào giỏ quà tặng của tỉnh, tiếp cận nhiều hơn với những vị khách quý, những người tiêu dùng có trình độ thưởng thức cao” - Nam chia sẻ thêm.

Để đáp ứng yêu cầu trở thành sản phẩm đặc sản An Giang, chủ Cơ sở Thanh Nam vừa xây dựng quy trình thu hoạch, sơ chế, sản xuất trà mãng cầu đạt chất lượng tốt nhất, giữ được màu sắc tự nhiên và hương vị đáp nhu cầu thị trường, vừa nghiên cứu thiết kế bao bì, nhãn mác sao cho nổi bật biểu trưng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang, chứng nhận chuỗi sản phẩm sạch để khẳng định niềm tin với người tiêu dùng.

“Khi bỏ việc ở phố về quê, đầu tư chi phí lớn để cải tạo 1,7ha đất lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng mãng cầu xiêm, có người nói tôi sẽ không thành công. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, khi mình có quyết tâm, lựa chọn hướng đi phù hợp, nỗ lực hoàn thiện từng bước một thì sớm muộn gì cũng sẽ có kết quả tương xứng với công sức bỏ ra” - Nam nhấn mạnh.

Nếu lâu nay, người ta trồng mãng cầu xiêm chủ yếu để bán trái chín thì với chàng trai “9X” Hồ Thanh Nam (sinh năm 1991), tận dụng ngay từ trái mãng cầu sống để làm trà mãng cầu lại mang về giá trị cao hơn. Mãng cầu dù chưa chín nhưng vẫn mang về “vị ngọt” cho ông chủ trẻ

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN