Tâm sự của những giáo viên mầm non

24/11/2022 - 07:24

 - “Ai cũng bảo cô giáo mầm non đa tài lắm! Vài người bạn thân của tôi thỉnh thoảng cũng hỏi vui: Vì sao, tôi lại theo nghề giáo viên mầm non? Chỉ đơn giản là yêu trẻ. Tôi thường trả lời như vậy” - cô giáo mầm non Phạm Thị Tuyết Mai (sinh năm 1988) mở đầu câu chuyện về nghề của mình như thế.

Giáo viên mầm non luôn tràn đầy năng lượng và tình yêu dành cho trẻ

Tuyết Mai hiện đang công tác tại Trường Mầm non Hoa Phượng (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên). Là sinh viên mới ra trường, thời gian làm việc được 1 năm, với cô giáo trẻ Tuyết Mai, bỡ ngỡ khi tiếp xúc, dạy dỗ hàng chục bé nhỏ là điều không tránh khỏi.

“Lần đầu tiên tôi nhận lớp là ở nhóm trẻ từ 24-36 tháng tuổi. Dù tất cả việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ đều được học trên giảng đường nhưng khi va chạm thực tế, không như mình từng nghĩ. Trẻ nhỏ ở lứa tuổi ấy, tất cả mọi việc từ ăn, uống, vệ sinh cá nhân… khi ở trường đều do cô giáo chăm sóc. Trẻ cũng chỉ mới bập bẹ nói, ngôn ngữ và hành động đôi khi khó hiểu, khó đoán.

Thời gian gắn bó, chăm sóc các bé, tôi học được tình yêu trẻ nhỏ, học cách lắng nghe qua từng cử chỉ, hành động, thậm chí là tiếng khóc, cười của trẻ. Nhờ học hỏi thêm từ đồng nghiệp, tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Vui có, buồn có, vất vả cũng có, nhưng mỗi ngày gần gũi, được nhìn thấy nụ cười ngây thơ, ánh mắt hồn nhiên, cùng những trò vui bất tận của trẻ, tôi càng yêu nghề hơn!” - Tuyết Mai tâm tình. 

Có trò chuyện với các cô giáo mầm non, tôi mới hiểu thêm về nghề. Đằng sau những phút cười, hát, pha trò mỗi khi lên lớp là bao nỗ lực, phấn đấu để bản thân hoàn thiện hơn. Một ngày, các cô giáo mầm non tất bật với rất nhiều hoạt động, như: Dạy học, hoạt động ngoài trời, vệ sinh, ăn ngủ… Vậy mà lúc nào trên môi các cô cũng tươi cười, thân thiện.

Trẻ mầm non không giống như các trẻ ở lứa tuổi khác. Các con sống theo cảm xúc, vui thì cười, buồn thì khóc, bạn trêu cũng khóc, bỗng dưng nhớ mẹ cũng khóc. Khi đó, chỉ có cô giáo vỗ về và động viên để tạo cho trẻ sự an tâm. Vất vả vì phải luôn chân luôn tay với công việc, phải luôn để ý đến trẻ, nhưng đó không phải là áp lực với giáo viên mầm non. Mà áp lực nhiều nhất với các cô lại đến từ phụ huynh.

“25 năm công tác với nghề, vất vả đến mấy tôi cũng chịu được, vì mình có tình yêu to lớn dành cho trẻ nhỏ. Đúng 6 giờ 30 phút, tôi và đồng nghiệp phải có mặt ở trường, bắt đầu công việc vệ sinh lớp học và đón bé. Chuẩn bị và cho các con ăn sáng xong là bước vào hoạt động học. Giáo viên mầm non chúng tôi vẫn soạn giáo án, vẫn phải chuẩn bị đồ dùng giảng dạy và rất nhiều công việc “không tên” khác cho một ngày lên lớp của mình. Chúng tôi chỉ kết thúc ngày làm việc khi phụ huynh đã đến đón con về. Còn một bé chưa được đón, dù trễ mấy, chúng tôi vẫn phải đợi. Đó không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì tình thương với học trò. Trẻ nhỏ chơi cùng nhau đôi lúc bị trầy xước hay té ngã, đôi khi lúc chúng tôi còn chịu sự trách móc, giận hờn từ phía phụ huynh. Thật tình, không có tình yêu với trẻ, tôi không thể gắn bó với nghề. Chúng tôi chỉ hy vọng phụ huynh hiểu và thông cảm cho công việc của giáo viên nhiều hơn” - cô Võ Thị Thu Thúy (sinh năm 1974, giáo viên Trường Mầm non Hoa Phượng) tâm sự.

Khi nhắc đến “giáo viên mầm non” người ta thường hình dung hình ảnh cô ngồi kể chuyện cho các cháu nghe, hát múa, vui chơi cùng các cháu… Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Đó chỉ là một trong vô vàn những hoạt động, vì phần lớn thời gian phải dọn dẹp, cho trẻ ăn uống, giặt khăn, lau chùi, kê giường, sắp xếp đồ chơi, dọn chỗ ăn, chỗ ngủ cho trẻ.

Bên cạnh đó, là áp lực từ việc dự giờ, kiểm tra đột xuất, đến áp lực từ phía phụ huynh… Cái nghề “Sớm con muộn chồng” ấy đã không ít lần khiến giáo viên mầm non phải rơi nước mắt, nhưng cũng có biết bao niềm vui, hạnh phúc. Tình yêu nghề, yêu trẻ đã giúp bao cô giáo mầm non vượt qua khó khăn nghề nghiệp.

“Chưa từng làm mẹ nhưng em có một đàn con/ Khi chưa sinh con, bao người gọi em là mẹ/ Sao mà yêu thế, em nâng những búp tay thon/ Vì yêu các con, em là cô giáo mầm non” - những câu hát dung dị vậy thôi, nhưng lại chứa đựng biết bao yêu thương. Tình yêu ấy chính là động lực để giáo viên mầm non gắn bó bền chặt với nghề đã chọn. Con đường đó, sự thấu hiểu, sẻ chia từ phía phụ huynh sẽ càng tiếp thêm niềm tin và động lực để các cô luôn vững tâm yêu nghề, mến trẻ.

PHƯƠNG LAN