Đó là khẳng định Cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân tại Hội nghị "Phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 14/2. Hội nghị thu hút sự tham gia của các cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi tôm đến từ nhiều địa phương.
Những tín hiệu vui ngành tôm Việt Nam
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù đối mặt với nhiều thách thức, năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 107 thị trường, tăng thêm 5 thị trường so với năm 2023. Top 5 thị trường chính gồm: Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Nhóm này chiếm tới 76% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Bước sang năm 2025, mặt hàng tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong tháng 1/2025, với giá trị xuất khẩu đạt 273,349 triệu USD, chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
![]() |
Ông Trần Đình Luân-Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, năm 2025, theo dự báo của các chuyên gia, ngành tôm có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. |
Thời điểm hiện nay, một số mặt hàng thủy sản đã có chiều hướng tăng giá, đặc biệt là giá tôm nguyên liệu. Đây cũng là tín hiệu vui cho người nuôi tôm tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích thả nuôi trong năm 2025.
Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, trong năm 2025, xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng nhờ vào sự điều chỉnh chiến lược sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh từ các nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới như Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan vẫn rất lớn.
Ngoài ra, các quy định nghiêm ngặt từ thị trường Mỹ, EU về truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng càng khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh để giữ vững thị phần.
Về thị trường xuất khẩu năm 2025 với ngành tôm, ông Trần Đình Luân-Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, năm 2025, theo dự báo của các chuyên gia, ngành tôm có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo do xung đột ở nhiều nơi trên thế giới; giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao; sản lượng tôm toàn cầu tiếp tục tăng và đạt khoảng 6,1 triệu tấn (năm 2023 đạt 5,7 triệu tấn); cạnh tranh giữa các nước sản xuất tôm (Ecuador, Ấn Độ và Trung Quốc) vẫn tiếp tục;….
Bên cạnh những khó khăn, ông Trần Đình Luân nhận định, năm 2025 đã có những tín hiệu tích cực hơn như sự phục hồi của một số thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, EU) khi doanh số xuất khẩu tôm việt Nam đều tăng; đặc biệt là những thay đổi về chính sách thuế của Mỹ đối với một số nước như Ecuador, Trung Quốc có thể là cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam ở thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam.
Dự báo nguồn cung tôm nước lợ toàn cầu có thể giảm trong quý I/2025 nhưng tiếp tục tăng đạt 6,1 triệu tấn trong năm 2025, nhu cầu của tăng ở thị trường Mỹ (14%) và EU (11%) trong khi sản xuất tôm Trung Quốc đang chững lại, Indonesia đang giảm trong năm 2023-2024 và có thể dần khôi phục trở lại là thách thức cũng là cơ hội cho ngành tôm Việt Nam trong năm 2025.
“Về giá tôm nguyên liệu có thể giảm ở một vài thời điểm trong năm 2025 đặc biệt là khoảng tháng 5-6/2025, cần tận dụng cơ hội và có giải pháp phù hợp”, ông Trần Đình Luân khuyến nghị.
Triển khai những giải pháp đồng bộ
Theo kế hoạch sản xuất năm 2025, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con (tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000; tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140-150 tỷ con (trong đó, tôm thẻ chân trắng 100 - 110 tỷ con và tôm sú 30 - 40 tỷ con). Diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha (tôm sú 630.000 ha, tôm thẻ 120.000 ha); sản lượng tôm các loại 1,3-1,4 triệu tấn, trong đó tôm sú 350 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 1.050 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt từ 4 tỷ USD đến 4,3 tỷ USD.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và tạo sự bứt phá để ngành tôm phát triển bền vững, các địa phương, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long cần chú ý đến việc xây dựng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi, giảm dịch bệnh.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị "Phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 14/2. |
"Cùng với đó, cần có cơ chế chính sách để giải quyết những vấn đề về kỹ thuật nuôi; cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistic; cần phải tổ chức lại khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại... Chỉ có giải quyết các vấn đề này một cách đồng bộ, chặt chẽ mới tạo ra cạnh trạnh tốt hơn ở thị trường tôm thế giới, đưa ngành tôm bứt phá đạt được mục tiêu 10 tỷ USD trong thời gian tới", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Để bảo đảm kế hoạch cả năm 2025, tận dụng các cơ hội để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững, ông Trần Đình Luân cho hay, ngành tôm cần tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với nhiệm vụ, mục tiêu, các nhóm giải pháp phát triển ngành với tư duy kinh tế thủy sản thay cho sản xuất thủy sản.
Trong đó, ông Luân cũng đề nghị Hội, Hiệp hội đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật. Đồng thời, vận động doanh nghiệp chế biến thủy sản thực hiện cam kết/hợp đồng với người nuôi tôm về kế hoạch sản xuất và cung ứng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu bảo đảm kế hoạch về số lượng, chủng loại và thời gian để chủ động sản xuất; quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình sản xuất. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.
Đối với các doanh nghiệp, người nuôi tôm, cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong bối cảnh và tình hình mới của ngành tôm trong nước và toàn cầu, đặc biệt là chủ động nghiên cứu các yêu cầu mới của thị trường, áp dụng công nghệ mới/cải tiến quy trình sản xuất và triển khai trong quá trình sản xuất bảo đảm không vướng mắc các quy định mới.
“Doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục để chứng minh giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, không mua bán các sản phẩm từ hoạt động IUU....”, ông Trần Đình Luân khuyến nghị.
Để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, về phía VASEP cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng để khơi thông lợi thế cho xuất khẩu tôm Việt Nam.
Trong thời gian tới, ngành tôm cần chuyển đổi tư duy, thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng và công nghệ cao, cần ưu tiên bền vững và hiệu quả, tập trung vào chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe và giá trị sản phẩm.