Tăng cường khai thác thị trường xuất khẩu

20/07/2020 - 06:08

 - Nếu tập trung thực hiện tốt các giải pháp, tăng cường xúc tiến, kết nối mở rộng thị trường, xuất khẩu của An Giang năm 2020 có thể đạt kế hoạch đề ra (khoảng 930 triệu USD). Cùng với khai thác tốt thị trường nội địa, việc tăng cường xuất khẩu sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế An Giang phát triển trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Nỗ lực xuất khẩu

Dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch  bệnh Covid-19 nhưng xuất khẩu của An Giang vẫn đạt kết quả tích cực. Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, ước tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 đạt 526,09 triệu USD, tăng 3,54% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 447,46 triệu USD, tăng 3,36% so cùng kỳ năm trước, bằng 48,11% so kế hoạch năm 2020 (930 triệu USD, tăng 4,49% so năm 2019).

Tín hiệu mừng là các mặt hàng chủ lực của tỉnh như: gạo, cá, rau quả đông lạnh, may mặc... đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so cùng kỳ. Đối với gạo, ước xuất khẩu 6 tháng đạt 259.230 tấn, tương đương 138,2 triệu USD, tăng 2,87% về sản lượng và tăng 7,55% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2019, đạt 59,08% so kế hoạch năm 2020 (233,9 triệu USD).

Đối với ngành cá tra, chịu tác động lớn khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 18% về lượng và kim ngạch trong quý I-2020. Tuy nhiên, nhờ nhu cầu tăng tại một số nước đã bù đắp cho sự sụt giảm nên 6 tháng đầu năm 2020, ước xuất khẩu thủy sản đạt 60.610 tấn, tương đương 146,1 triệu USD, tăng 1,02% về lượng và tăng 1,46% về kim ngạch so cùng kỳ, đạt 51,11% kế hoạch năm 2020 (285,8 triệu USD).

Đối với rau quả đông lạnh, dù chịu ảnh hưởng trong khâu vận chuyển khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, lan rộng toàn cầu nhưng ước xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt 4.460 tấn, tương đương 7,6 triệu USD, tăng 1,45% về lượng và tăng 2,7% về kim ngạch so cùng kỳ, đạt 45,5% kế hoạch năm 2020 (16,7 triệu USD). Đối với ngành may mặc, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 63,9 triệu USD, tăng 3,06% về kim ngạch so cùng kỳ 2019, đạt 47,05% kế hoạch (135,8 triệu USD)…

Xúc tiến thị trường

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho rằng, từ nay đến cuối năm 2020, dù vẫn còn những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp nhưng xuất khẩu của An Giang vẫn có những điểm sáng. Trong đó, nổi bật là mặt hàng gạo khi nhiều nước vẫn mua tạm trữ, nhu cầu lương thực thế giới tăng. “Dự báo lũ năm nay sẽ không lớn (đỉnh lũ từ mức báo động 1 - báo động 2) nên cần thực hiện tốt kế hoạch sản xuất và tập trung bảo vệ an toàn vụ lúa thu đông 2020.

Sở Công thương đã kết nối 39 nước có nhu cầu nhập khẩu gạo cho doanh nghiệp (DN) An Giang. Nếu tận dụng tốt cơ hội, giá trị xuất khẩu gạo có thể bù đắp cho một số mặt hàng khác, khả năng xuất khẩu đạt 930 triệu USD như kế hoạch năm 2020 hoặc có thể đạt 920 triệu USD, tăng 3,37% so năm 2019” - ông Hùng phân tích.

Dự ước năm 2020, xuất khẩu gạo của An Giang khả năng đạt 450.000 tấn, dù chỉ bằng 96,79% về lượng nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng, kim ngạch đạt gần 240 triệu USD, tăng 5,38% về kim ngạch so năm 2019 và đạt 102,5% kế hoạch năm 2020. Ngành hàng khác cũng dự ước có giá trị xuất khẩu tăng là dệt may. Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tại Trung Quốc, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các DN may Việt Nam cũng dần ổn định.

Nhiều DN đang mở rộng sản xuất khẩu trang kháng khuẩn và quần áo bảo hộ để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các nước. Mặt khác, ngành may mặc sẽ tiếp tục kế thừa kết quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tạo cơ hội cho ngành dệt may tăng tốc sau khi dịch bệnh được khống chế. Với diễn biến tình hình thế giới, dự ước kim ngạch xuất khẩu mặt hàng may mặc năm 2020 đạt 134,2 triệu USD, tuy thấp hơn kế hoạch nhưng tăng 3,23% so cùng kỳ năm 2019.

Đối với mặt hàng cá tra, có thể tận dụng tối đa lợi thế các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Theo đánh giá của VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam), tại thị trường Châu Âu, cá tra chủ yếu cung cấp cho hệ thống bán lẻ nên đây là thị trường tiềm năng cho ngành hàng cá tra khôi phục lại, nhất là sau khi EVFTA có hiệu lực.

VASEP dự báo trong thời gian trước mắt, có thể hoạt động xuất khẩu cá tra tại một số thị trường vẫn tiếp tục giảm do hoạt động vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn nhưng các DN cần nghiên cứu, phát triển thêm các thị trường mới, tiềm năng (điển hình như Ấn Độ), tận dụng lại thị trường lớn (như Trung Quốc).

Những tháng cuối năm 2020, thị trường xuất khẩu cá tra có xu hướng hồi phục nhẹ khi hàng tồn kho tại các nước không còn nhiều. Dự ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2020 của An Giang đạt 278 triệu USD, sản lượng 115.300 tấn, tương đương năm 2019.

Đối với mặt hàng rau quả đông lạnh, khả năng phát triển thị trường và nhu cầu của thị trường vẫn còn nhiều, dự ước kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 16,7 triệu USD, tương đương 9.800 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 3,15% về lượng và tăng 4,37% về kim ngạch so năm 2019.

Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, triển lãm quốc tế, sự kiện thương mại quốc tế lớn không thể tổ chức được, Sở Công thương An Giang sẽ tăng cường thông tin đến doanh nghiệp, đồng thời phối hợp các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp kết nối và phát triển thị trường xuất khẩu.

 

NGÔ CHUẨN