Ký biên bản ghi nhớ hợp tác về liên kết xây dựng vùng nguyên liệu xoài Thái và thành lập hợp tác xã xoài trên địa bàn An Giang
Thu hút nông dân
Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường tiêu thụ xoài do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, HTX Dịch vụ nông nghiệp và trồng xoài VietGAP Bến Bà Chi (HTX Bến Bà Chi, xã Lê Trì, Tri Tôn) vẫn duy trì sản xuất và có đầu ra ổn định. Để có được kết quả này, HTX đã chủ động chuyển hướng sang trồng xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn VietGAP, ký hợp đồng liên kết tiêu thụ xoài với một số DN. Xoài của HTX Bến Bà Chi vừa tiêu thụ nội địa tốt, vừa xuất khẩu được sang các thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản… Giám đốc HTX Bến Bà Chi Bùi Văn Quý cho biết, nhờ đạt hiệu quả sản xuất tốt, HTX ngày càng thu hút nhiều nông dân trồng xoài vùng núi Dài tham gia, nâng diện tích trồng xoài định hướng theo chuẩn VietGAP từ 54ha lên trên 100ha. “Tham gia vào HTX, bà con được tập huấn, hướng dẫn trồng xoài theo tiêu chí an toàn. Xoài được thu hoạch đồng loạt với sản lượng lớn, được DN đến tận nơi thu mua với giá tốt hơn so với bán nhỏ lẻ. Nông dân tham gia vào HTX có nhiều lợi ích hơn so với tự trồng trước đây” - anh Quý chia sẻ.
Tại HTX nông nghiệp An Bình (Thoại Sơn), một trong những HTX kiểu mới được thành lập có sự tham gia góp vốn, nhân sự của Tập đoàn Lộc Trời, hiệu quả sản xuất - kinh doanh thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia. Được UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, HTX đã mạnh dạn mở rộng đầu tư thêm nhiều loại hình dịch vụ. Cùng với cửa hàng vật tư nông nghiệp (cung ứng vật tư cho xã viên và nông dân trong vùng), dịch vụ cày xới, sạ lúa, cấy lúa, phun thuốc, thu hoạch… như những HTX nông nghiệp khác, HTX còn triển khai vùng trồng, đóng gói và cung ứng sản phẩm gạo an toàn thương hiệu An Bình (đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh), đầu tư hệ thống lọc nước uống đóng bình theo quy trình công nghệ hiện đại để cung ứng thị trường nông thôn.
Nếu như năm 2015 (thời điểm mới thành lập), HTX nông nghiệp An Bình chỉ có 44 thành viên tham gia với diện tích khoảng 200ha đất, đến năm 2020, số thành viên tăng lên 78 nông dân, diện tích sản xuất 620ha.
Mở rộng liên kết
HTX xoài Bến Bà Chi hay các HTX nông nghiệp chuyên về lúa, nếp, như: An Bình, Phú An, Phú Thạnh, Vĩnh Bình… là những điển hình về HTX kiểu mới, làm ăn đạt hiệu quả cao, trong đó có vai trò gắn kết với DN.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm 2020, nhờ hỗ trợ các DN triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, toàn tỉnh đã vận động và hỗ trợ thành lập mới 45 HTX nông nghiệp trên địa bàn An Giang. Trong đó có 19 HTX được thành lập mới với sự tham gia góp vốn và nhân sự điều hành từ phía Tập đoàn Lộc Trời. Thống kê đến ngày 31-12-2020, toàn tỉnh có 181 HTX nông nghiệp với 12.404 thành viên, tăng 75 HTX so cuối năm 2016 (thành lập mới 91 HTX, giải thể 16 HTX và nâng chất 5 HTX yếu kém). Ước cuối năm 2020, doanh thu bình quân 1 HTX là 4,5 tỷ đồng/năm (tăng gần 2,69 tỷ đồng so cuối năm 2016), lợi nhuận bình quân 270 triệu đồng/HTX/năm (tăng 60 triệu đồng), bộ máy quản lý HTX có 1.126 người (tăng 361 người). Chưa kể 45 HTX thành lập mới năm 2020 (không đủ thời gian đánh giá), có 124 HTX nông nghiệp được đánh giá là hoạt động hiệu quả, tăng đến 79 HTX so thời điểm 31-12-2016.
Tính đến cuối năm 2020, có 20 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (tăng 12 HTX so cuối năm 2016), như: tưới tiết kiệm, sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống đối lưu tuần hoàn sông trong ao đối với nuôi thủy sản, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn... Đồng thời, có 3 HTX tham gia Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Bên cạnh đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản trị của lãnh đạo HTX, tỉnh còn chú trọng nâng chất hoạt động của HTX nông nghiệp. Qua chọn và hỗ trợ 10 HTX tham gia Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới vùng ĐBSCL tại An Giang giai đoạn 2016-2020”, có 8 HTX đã tăng số lượng thành viên so với đầu kỳ tham gia, 6 HTX tăng vốn điều lệ, 7 HTX tăng vốn hoạt động và 5 HTX tăng doanh thu. Thực hiện chính sách thí điểm đưa nhân sự trẻ có trình độ từ cao đẳng trở lên làm việc tại HTX (theo Kế hoạch số 384/KH-UBND, ngày 28-6-2018 của UBND tỉnh), có 47 nhân sự được hỗ trợ về làm việc, giúp nâng cao năng lực điều hành, đóng góp vào hiệu quả hoạt động của HTX.
Cùng với thành lập các HTX kiểu mới có sự đồng hành của DN, diện tích liên kết “Cánh đồng lớn” trên địa bàn An Giang tăng hàng năm, cho thấy đây là khuynh hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Sở NN&PTNT, Liên minh HTX và Hội Nông dân tỉnh đã ký kế hoạch phối hợp liên ngành 3 bên về thực hiện Đề án 15.000 HTX của Chính phủ. Trong đó, chú trọng đến chất lượng và hiệu quả thực tế của mô hình HTX ở An Giang. |
NGÔ CHUẨN