Tăng cường sức khỏe bằng y học cổ truyền

26/10/2021 - 06:07

 - Công văn 1306/BYT-YDCT, ngày 17-3-2020 về “Tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền” của Bộ Y tế, kèm theo hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19. Trước đó, ngành chức năng nhiều lần khuyến cáo, người sử dụng phải tuân theo quy định cụ thể, không được tùy tiện.

Theo Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), hướng dẫn trên là biện pháp kịp thời, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ điều trị bệnh tại cơ sở y tế và phòng bệnh của người dân tại cộng đồng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Hướng dẫn này gửi cho các cơ sở y tế để kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hỗ trợ điều trị COVID-19. Thí dụ, dùng các dược liệu chứa tinh dầu, như: sả, chanh, bạc hà, quế, bưởi, kinh giới, tía tô đun với nước 30 phút, đóng cửa phòng 20 phút để tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng nhằm diệt vi khuẩn, virus… Hay xay tỏi lọc lấy nước, hòa với nước ấm tỷ lệ 1:10, chia uống nhiều lần trong ngày; hướng dẫn uống trà thảo dược, chế độ ăn, tập thể dục, dưỡng sinh để tăng sức khỏe…

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều thông tin trên mạng xã hội đã thổi phồng tác dụng để tăng giá bán dược liệu, khiến nhiều người hiểu sai về phương pháp y học cổ truyền, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Chẳng hạn, một số người chia sẻ “cẩm nang chữa virus Corona” với “lời khuyên” điều trị tại nhà để tránh cách ly, truyền nước biển, uống thuốc giảm sốt, thuốc ho, uống thêm mật ong, trà gừng... Người nhà bà Đ.T.T.L (sinh năm 1966, quê ở huyện Châu Phú) cho biết, bà L. vốn có tiền sử bị bệnh tiểu đường, nhưng không ai biết. Khi bà và 2 người thân trong gia đình cùng bị nhiễm bệnh (tại TP. Hồ Chí Minh), họ không liên hệ với cơ quan chức năng, mà tự ý xông các loại dược liệu tại nhà. Hậu quả, diễn tiến bệnh tình bà L. xấu đi rất nhanh, mất sau đó vài ngày.

Bộ Y tế khuyến cáo dùng các dược liệu chứa tinh dầu, như:  sả, chanh… hỗ trợ tăng đề kháng, diệt virus

Đồng thời, nhiều cơ sở tăng cường quảng cáo thảo dược “diệt được virus Corona”. Ngày 20-9-2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo: Việc quảng cáo lấp lửng có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm có công dụng hỗ trợ điều trị COVID-19. Tổ chức này khẳng định, “thông tin như vậy là không chính xác; không có loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị COVID-19”. Riêng đối với bài thuốc xuyên tâm liên, Cục Quản lý y, dược cổ truyền cho biết, hiện nước ta chưa sử dụng riêng xuyên tâm liên trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Đơn vị phối hợp ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu và đánh giá loại thuốc này trong kết hợp với các phương pháp điều trị khác cho bệnh nhân COVID-19.

 Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, thuốc y học cổ truyền vốn có nhiều ưu điểm, có thể chữa được một số bệnh mà Tây y còn gặp khó. Hiện việc kết hợp Đông - Tây y để chữa bệnh là một trong những phương châm chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của ngành y tế Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác định rõ các giai đoạn của quá trình nhiễm bệnh sẽ giúp phát huy tốt nhất trong phác đồ điều trị.

Cũng như các loại bệnh khác, COVID-19 chia làm 4 giai đoạn: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục/tử vong. Tùy giai đoạn mà có phương thức điều trị khác nhau. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể điều trị tại nhà với sự phối hợp nhịp nhàng giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Nhưng nếu bệnh không thuyên giảm mà chuyển sang giai đoạn nặng, bắt buộc F0 phải vào bệnh viện để có phác đồ điều trị nâng cao. Các thống kê cho thấy, hiện có khoảng 20% F0 diễn biến nặng khi nhiễm COVID-19. Diễn biến nặng được thể hiện rõ thông qua việc suy giảm độ bão hòa ô-xy trong cơ thể (dưới 94%). Từ cột mốc này, F0 cần phải thở ô-xy và vào bệnh viện để sử dụng ô-xy cao hay dùng mask (thở ô-xy qua mặt nạ), ECMO (tim phổi nhân tạo).

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế cần đẩy mạnh truyền thông các phương pháp y học cổ truyền trong phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ điều trị. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để các bài thuốc dùng trong phòng, chống dịch bệnh sớm được sản xuất công nghiệp cho người dân sử dụng, nhất là trường hợp cách ly tập trung hay cách ly tại nhà nhằm nâng cao sức đề kháng. Cuộc chiến chống COVID-19 vẫn chưa có hồi kết, nếu lúc “đại dịch” tiếp tục mạnh, chưa có thuốc đặc trị hay phủ vaccine toàn dân thì việc nâng cao sức đề kháng là biện pháp cần thiết nhất.

N.R