Tăng cường thanh, kiểm tra lĩnh vực nông nghiệp

10/07/2023 - 06:57

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, lâm nghiệp… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về hoạt động SXKD và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tiêu dùng.

Kiểm tra các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp

Hoạt động từ năm 2008, cửa hàng vật tư nông nghiệp Minh Phát (xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc) là địa chỉ tin cậy của nhiều nông dân. Ông Võ Hải Trường (đại diện cửa hàng) cho biết, cửa hàng ưu tiên lựa chọn sản phẩm của các công ty, doanh nghiệp uy tín. Trước khi nhận hàng, ông Trường kiểm tra hàm lượng trên từng sản phẩm đảm bảo đúng với công bố của công ty. Đặc biệt, cửa hàng Minh Phát không kinh doanh các mặt hàng trôi nổi, hàng giả, hàng kém chất lượng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nhằm tránh thiệt hại cho cửa hàng và nhà nông…

Cùng với các cửa hàng, nông dân trong tỉnh đã có ý thức lựa chọn những sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp uy tín để sử dụng. Ông Nguyễn Thanh Hoàng (nông dân xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) cho biết, hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật của nhiều công ty khác nhau. Mỗi loại có công dụng, cách dùng khác nhau. Do đó, mỗi lần ruộng lúa bị sâu, bệnh, ông Hoàng thường lựa chọn các thương hiệu và cửa hàng uy tín. Bởi những cửa hàng này thường tư vấn nhiệt tình, giới thiệu sản phẩm điều trị hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn tỷ lệ, liều lượng pha thuốc, đảm bảo vừa hiệu quả, vừa an toàn nên nông dân khá yên tâm…

Thời gian qua, Sở NN&PTNT cùng các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền để người dân biết, chấp hành các quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, hàng năm, thanh tra Sở NN&PTNT chủ động xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra làm căn cứ để các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm trong SXKD vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Võ Thị Thanh Vân cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra 22 cuộc, với 295 trường hợp. Các lĩnh vực kiểm tra chủ yếu liên quan: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về SXKD vật tư nông nghiệp; an toàn thực phẩm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; quầy, sạp kinh doanh sản phẩm động vật; phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm; các cơ sở kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi…

Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 63 trường hợp vi phạm. Nội dung vi phạm chủ yếu là: Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; sản xuất phân bón không thử nghiệm chất lượng trước khi lưu thông trên thị trường; thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, không có tên trong danh mục công nhận lưu hành tại Việt Nam; phân bón không có quyết định lưu hành; kinh doanh thuốc thú y có hàm lượng thuốc ngoài mức giới hạn cho phép so với ghi trên nhãn…

Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, như: Sản xuất thực phẩm nhiễm chất kháng sinh cấm, chất phụ gia trong danh mục được phép sử dụng vượt giới hạn. Đồng thời, phát hiện nhiều vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp, như: Khai thác rừng trái pháp luật; vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản; vận chuyển lâm sản trái pháp luật; vi phạm quy định về hồ sơ, thủ tục khai thác lâm sản có nguồn gốc hợp pháp… Đoàn kiểm tra đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 1,25 tỷ đồng. Theo Sở NN&PTNT, số lượng vi phạm so với cùng kỳ năm 2022 giảm 14%, số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng 30,3%.

Để tiếp tục nâng cao công tác thanh, kiểm tra, bà Võ Thị Thanh Vân cho biết, ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp thanh, kiểm tra hoạt động SXKD lĩnh vực an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp; sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn dùng trong chăn nuôi và thủy sản. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cơ quan, đơn vị; tổ chức, cá nhân SXKD thực phẩm khi có đơn thư kiến nghị, phản ánh hoặc dư luận xã hội, theo quy định pháp luật.

Tiếp tục tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại trụ sở chính quyền các cấp và nơi công cộng… Từ đó, giúp người dân kịp thời trình báo với ngành chức năng khi phát hiện vi phạm. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo chí đưa tin kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm, đảm bảo việc cung ứng sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng…

MINH ĐỨC